Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Ihugba Augustine Chinonso (SN 1986) mức án 16 năm tù, Onu Chinonso Peter (SN 1985) 12 năm tù, Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (SN 1991, ngụ TPHCM) 13 năm tù, Lê Thị Mai Phương (SN 1982, ngụ TP Hà Nội) 8 năm tù cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Phạm hai tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", các bị cáo Trần Viết Hùng (SN 1982, ngụ TP Hà Nội) lãnh 20 năm tù , Lê Văn Nhóc (SN 1995, ngụ tỉnh Tây Ninh) lãnh 12 năm tù, Phạm Trường Thành (SN 1993, ngụ tỉnh Đồng Nai) lãnh 12 năm tù, Nguyễn Văn Hải (SN 1990, ngụ tỉnh Bình Thuận) lãnh 12 năm tù.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, đường dây lừa đảo này do các đối tượng người Nigeria cầm đầu. Các đối tượng trong đường dây sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo kết bạn với nhiều phụ nữ Việt Nam, đặt vấn đề tình cảm, thậm chí hứa hẹn sẽ kết hôn và hứa gửi tiền, quà có giá trị tặng "người yêu".
Sau khi đã tạo được sự tin tưởng, nhóm lừa đảo bắt đầu "tung lưới". Những đồng phạm người Việt Nam trong đường dây giả danh nhân viên công ty vận chuyển, nhân viên hải quan gọi điện cho người bị hại; nói rằng bên trong thùng quà có ngoại tệ nên bị cơ quan chức năng giữ lại, yêu cầu người bị hại muốn nhận quà phải chuyển tiền vào tài khoản theo chỉ định để đóng phí vận chuyển, phí hải quan và tiền phạt.
Qua xác minh tại ngân hàng, rất nhiều người bị hại đã bị sập bẫy lừa của đường dây lừa đảo này, chuyển tổng cộng hơn 4 tỷ đồng vào 80 tài khoản do nhóm tội phạm chỉ định.
Tại phiên tòa, các bị cáo người Nigieria khai rằng bị bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, hội đồng xét xử nhận định: khi vụ án vừa bị khởi tố, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM đã yêu cầu các bị cáo có đơn nhờ lãnh sự Nigieria hỗ trợ pháp lý nhưng bị cáo đã từ chối. Bên cạnh đó, các bị cáo không cung cấp được chứng cứ chứng minh bị bức cung, nhục hình nên không có cơ sở để chấp nhận.