Chiều 23-6, đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về công tác năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2022. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM cùng chủ trì buổi làm việc.
Quận, phường gặp khó khi không chủ động được ngân sách
Theo gợi mở của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, buổi làm việc chủ yếu xoay quanh những vướng mắc, kiến nghị của TPHCM liên quan đến biên chế công chức, viên chức; tăng tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và tăng cường xã hội hóa. Bên cạnh đó là những nội dung về cải cách hành chính, tổ chức bộ máy…
Liên quan đến những nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thay mặt UBND TPHCM kiến nghị Bộ Nội vụ trình Chính phủ cho phép TP Thủ Đức kéo dài thời gian sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không chuyên trách ở phường. Đồng thời trình Chính phủ xem xét công nhận số lượng biên chế hành chính, số lượng người làm việc tại TPHCM đã được HĐND TPHCM phê duyệt năm 2022.
Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ Nội vụ không tính tỷ lệ giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, kể cả đơn vị sự nghiệp ngành y tế, giáo dục, mà tính tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công lập tăng mức tự chủ hàng năm, tiến đến tự chủ chi thường xuyên, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Báo cáo thêm về biên chế, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, hiện nay tổng số biên chế công chức Trung ương giao cho TPHCM là 10.869, nhưng thực tế con số theo Nghị quyết HĐND TPHCM là 14.470, “dư” gần 3.400 biên chế. Về biên chế viên chức, Trung ương giao 95.923, theo Nghị quyết HĐND là 99.985. TPHCM đã nhiều năm kiến nghị Trung ương công nhận con số biên chế thực tế hiện nay của TPHCM nhưng chưa được chấp nhận.
Về những khó khăn trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết khó khăn lớn nhất là giờ đây, quận, phường không còn là một cấp ngân sách. Do vậy quận phường không chủ động được trong việc chi tiêu, không còn nguồn dự phòng, kết dư, tăng thu, từ đó giảm tính chủ động của quận phường trong thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn, tăng áp lực công việc lên UBND và HĐND TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi lý giải thêm, trước đây, TPHCM có 7 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị, nhưng bối cảnh và sự chuẩn bị khác. Lần này cũng có sự chuẩn bị, nhưng lúc đó (đầu năm 2021-PV) hoàn cảnh của TPHCM quá khó khăn, bước vào cao điểm chống dịch Covid-19, nên sự chuẩn bị để triển khai chưa đầy đủ. TP Thủ Đức được thành lập, nhưng việc chuẩn bị cơ chế cho TP Thủ Đức hoạt động cũng chưa được đầy đủ. Những bất cập này đã thể hiện rõ, TPHCM đang tập trung nghiên cứu để kiến nghị khung pháp lý rộng hơn.
Liên quan đến số biên chế “dôi dư”, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM cũng sẽ có đánh giá toàn diện, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có đề xuất, để có đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ. Trong công tác cải cách hành chính, TPHCM sẽ tổ chức hội nghị vào đầu tháng 7, tìm giải pháp cải thiện các chỉ số PAPI, PCI, SIPAS, Par-Index; kết nối cổng dịch vụ công quốc gia, tăng sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; triển khai nền tảng giao việc, giám sát trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp…
Phân cấp triệt để, toàn diện cho TPHCM
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao TPHCM trong bối cảnh khó khăn của năm 2021 vẫn nghiêm túc, tích cực triển khai mô hình chính quyền đô thị. Bộ trưởng cũng ghi nhận TPHCM có rất nhiều mô hình đổi mới, sáng tạo, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm nền tảng.
Song bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng bày tỏ băn khoăn, khi việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy chưa thực sự đồng bộ toàn diện, kết quả chưa cao, trong khi TPHCM có những dư địa tốt để thực hiện. Về số lượng biên chế chênh lệch so với số Trung ương giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng đây là tồn tại lớn, phải có biện pháp giải quyết. TPHCM phải có báo cáo giải trình kỹ cho Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế của Bộ Chính trị, đề xuất cụ thể phương án giải quyết.
Theo Bộ trưởng, dù khó đến đâu, TPHCM cũng phải cùng các bộ ngành trung ương tháo gỡ được vướng mắc của chính quyền đô thị. Có rất nhiều vướng mắc nhưng tựu trung lại, vướng nhất là phân cấp phân quyền. TPHCM cần có báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, đề xuất các vấn đề cần giải quyết.
TPHCM đang đề xuất Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, Nghị quyết 16. Bộ trưởng Bộ Nội vụ gợi mở cho TPHCM một số nội dung. Trong đó, theo Bộ trưởng, quan trọng nhất là phải có cơ chế rành mạch rõ ràng để phân cấp triệt để và toàn diện cho TPHCM.
“Suy cho cùng TPHCM cần cơ chế, mà trong cơ chế thì phân cấp, phân quyền là cái gốc của vấn đề”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Song song đó, bộ máy phải được tổ chức tinh gọn, hiệu lực hiệu quả mới có thể đạt được những mục tiêu, kỳ vọng lớn lao đặt ra cho TPHCM. Bộ trưởng cũng đề nghị TPHCM đánh giá toàn diện, xây dựng đề án căn cơ bài bản thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa về lĩnh vực sự nghiệp. Nhiều địa phương đã làm rất tốt, từ đó tạo nguồn lực phát triển lớn, giải quyết được biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng mong muốn TPHCM thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, bởi TPHCM không thể đi sau về cải cách hành chính, mà phải đi đầu, là động lực mạnh phát triển địa phương, khẳng định chính quyền phục vụ.
Trước đó, trong sáng 23-6, đoàn công tác Bộ Nội vụ đã làm việc với UBND TP Thủ Đức. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Nội vụ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại buổi làm việc với UBND TP Thủ Đức. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
|