Mọi người chỉ gọi anh là họa sĩ khi anh triển lãm. Gọi anh là nhà thơ khi anh ra mắt tập thơ hoặc tham dự đọc thơ trong một đêm thơ nào đó. Gọi anh là biên kịch, đạo diễn khi anh có mặt ở các đoàn làm phim. Bình thường, “Phan Vũ” là cách gọi gọn, nhẹ và thân thương nhất dành cho Phan Vũ trong suốt thời gian trải qua các độ tuổi 70, 80, 90 và cả đến lúc qua đời.
Uống cà phê là lúc tranh thủ “moi” thông tin ở những người nổi tiếng, những người thuộc về công chúng mà tôi thường áp dụng. Với Phan Vũ lại càng hấp dẫn hơn vì anh như đại thụ đã hấp thụ không biết bao nhiêu chuyện thế gian, từ lúc còn là anh chàng 20 mặt non như bánh phồng mì lại ham đi chiến đấu, chinh chiến từ thời kháng Pháp đến thời chống Mỹ, còn có suy nghĩ lạ đời: “Chiến tranh thì sợ thật, chết cũng sợ, nhưng khi đi giữa bạt ngàn núi rừng lại thích, cứ y như đang đi du lịch”. Có lẽ đây chính là tính cách của một người nghệ sĩ đúng nghĩa.
Để khơi được cho Phan Vũ đi đúng vào mạch “moi” chuyện không phải là dễ, vì anh hay bắt đầu từ một câu chuyện ở quá khứ, nên cứ kiên nhẫn mà nghe, nhưng nghe trong thích thú vì Phan Vũ kể lể với giọng thủ thỉ, thầm thì, êm đềm, nhỏ nhẹ, khi thì hài hước. Anh đâu có học được hội họa chính quy đâu, thấy bạn mình vẽ và xem tranh các ông vẽ rồi lâu ngày tích lũy cái ham muốn vẽ như bạn mình. Nhưng vẽ ra mà người xem nói mình vẽ sao giống A, B, C… quá thì kỳ, thôi thì nương theo mái tóc huyền ngày xưa mà vẽ”. “Em có thấy ở vài bức vẽ chân dung anh, có màu xám nhạt…”, tôi nói. “À, trong hội họa có màu gọi là màu trung tính do sự kết hợp giữa trắng và đen tạo ra. Màu không thuộc nóng, không thuộc lạnh, gọi đó là màu xám. Xám có nhiều góc xám, em thấy có màu xám nhạt thi thoảng xuất hiện ở các bức tranh vẽ chân dung anh là do đen pha trắng, hay do pha hai màu tương phản với nhau, hay do pha ba màu chính với nhau. Nhưng nhớ nhé, không pha màu nào với nhau để ra màu đen được đâu”. Phan Vũ cười khì khì: “Vẽ cũng như yêu, khi vẽ uốn lượn hay gãy khúc, hay vặn xoắn… thì đi một “bay” mà thôi, nín thở một hơi mà “vuốt”, không lặp lại nhé, vì cái gì mình muốn vẽ nó đã nằm trong đầu, cứ thế mà tuôn ra, tuôn ra bằng nhiều màu sắc. Thí dụ như những bức tranh tự họa, là tự vẽ mình qua các thời kỳ, là khi mình soi gương nhìn mình tự so sánh, cuối cùng, thấy mình giống gốc si già lão mốc meo, nhưng những tượt non vẫn đâm chồi xanh mướt, thế thì vẽ thôi, này xanh lá, này đỏ, này xanh lục, này vàng, một sức sống nguyên thủy và tinh khiết tại sao mình không mê đắm nó chứ”.
Gương mặt cô gái, đôi mắt và những con đường ngoằn ngoèo gợn gấp trong tranh Phan Vũ luôn là sự suy gẫm nghĩ ngợi của người xem tranh, bởi khi thì nó được vẽ trừu tượng, có khi chỉ phân nửa trừu tượng, có khi là biểu hiện, khi lại là nửa hiện thực nửa ước lệ, giống như muốn “đánh lận con đen”, không muốn ai nhìn ra “tâm đại” thật của mình, là nhìn được chứng minh mình đang vẽ người mình nhớ. Khi tôi nói suy nghĩ của mình, Phan Vũ lại cười: “Vì đó là thế sự và triết lý về cuộc đời, về nỗi buồn, nỗi nhớ, nỗi đau, luôn có cả nỗi ân hận trong những năm tháng mình va chạm với cuộc đời. Thích vẽ là vậy, vì màu sắc làm bật được tâm tư của mình bằng đường nét, hình họa, tự do buông thả. Nhưng dù đó là nỗi buồn bã, cô đơn chăng nữa thì nó vẫn được thể hiện bằng một bảng màu nguyên thủy, vì đó là con người thật của mình”. “Tranh của anh nhìn vào luôn có màu sắc rực rỡ, đối lập nhau, nhưng sao cứ thấy nao nao phảng phất buồn?”. Tôi hỏi xong, Phan Vũ ve ve điếu thuốc: “Vì nó có độ trầm nên tạo thành nỗi buồn dịu êm”.
Ừ, thì giờ đây, tôi đang ngồi viết lại câu chuyện “moi” thông tin ở người nổi tiếng bằng nỗi buồn dịu êm. Tạm biệt anh nhé Phan Vũ!