Vượt hơn chín trăm cây số, về chưa hưởng hết không khí gia đình ngày tết lại cặm cụi kéo va li đi, thật không muốn chút nào. Bao nhiêu người cũng đang như tôi, dùng dằng không nỡ. Trong lòng tôi bỗng dậy lên một nỗi buồn man mác. Vậy là hết tết rồi ư? Vậy là lại bắt đầu một hành trình mới, một cuốn lịch mới, lại tỉ mẩn bóc từng tờ lịch để lại mong ước mùa Xuân sau, tết sau trở về còn gặp lại đầy đủ người thân. Một hành trình mới thật sự bắt đầu, ra đi để trở về.
Nhớ lắm tết xưa. Tết của những ngày tôi còn thơ bé. Tết khi ấy luôn đến sớm. Bước sang tháng Chạp là mẹ đã sắm sửa chuẩn bị cho tết. Tranh thủ hôm nào bán đắt hàng cộng với số tiền dành dụm bấy lâu mẹ đã mua sẵn những thứ cần thiết cho tết. Hôm thì cái áo, hôm cái quần. Cứ gom góp mỗi ngày một thứ để đến tết các con đều có quần áo mới. Tôi là đứa áp út nên quần áo mới của tôi được sắm ngay sau khi sắm cho thằng em út. Từ khi có quần áo mới là rạo rực trong lòng, là bắt đầu ngồi đếm ngón tay mong đến tết để được mặc quần áo mới. Quần áo gấp gọn gàng nhưng lâu lâu lại mò vào sờ một chút, ngửi một chút mùi áo mới mà nghe lâng lâng vui sướng.
Những ngày giáp tết, cái không khí náo nức càng rạo rực trong lòng. Nhà nào cũng nhộn nhịp, tất bật rộn ràng. Vui nhất là lúc mọi người trong xóm rủ nhau ra dọn ngõ. Ngõ chung nhà tôi có ba nhà, mỗi nhà cử ra một người để dọn ngõ. Con ngõ nhỏ ngày thường náo động bởi tiếng cười đùa của lũ trẻ giờ lại rộn lên tiếng cuốc xới cỏ, tiếng chổi quét ràn rạt. Cái không khí tết đã ùa về vui ngõ nhỏ.
Chiều cuối năm, cha cầm dao ra cây đào trước sân lựa một cành thật đẹp chặt vào hơ gốc rồi cắm vào bình để ngay ngắn bên bàn thờ. Hoa ông Công ông Táo được cha khéo léo cắt từ mấy hôm trước cũng được trưng lên. Cũng tay cha sắp từng đĩa bánh trái trên bàn thờ, thắp nhang trầm khấn rước ông bà tổ tiên về chung vui với con cháu trong ba ngày tết. Tiếng pháo chiều cuối năm đã vang lên đâu đó trong xóm. Tết đã đến thật rồi!
Mâm cơm chiều cuối năm ấm áp, thiêng liêng vô cùng. Cái không khí ấy đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in. Tiếng nói cười và cả những nhắc nhở của cha mẹ để tránh cho lũ con dại những điều xui xẻo trong những ngày tết.
Tối, chị em tôi quây quần xung quanh nồi bánh chưng ngút khói. Tết đến thật gần cùng với tiếng pháo nổ râm ran đầu xóm như giục chúng tôi thay quần áo mới đón tết. Tiếng nói cười từ nhà bên, tiếng pháo nổ giòn giã từ bánh pháo cha treo trước hiên nhà. Chị em tôi ùa hết cả ra sân chỉ mong pháo nổ giòn. Trong thời khắc thiêng liêng của đêm Giao thừa tất cả chúng tôi không ai bảo ai đều lặng im ước nguyện. Ước cho muôn điều tốt đẹp đến với mọi người, mọi nhà trong năm mới. Pháo nổ xong là lúc chúng tôi đi tìm những quả pháo chưa kịp nổ đã rơi xuống rồi châm ngòi cho nổ lại. Đến giờ nghĩ lại dường như vẫn còn nghe mùi pháo khen khét, thơm thơm rồi vô thức hít hà mãi.
Nhà tôi cách sân bay Sao Vàng chỉ một quãng. Ngày thường, khi máy bay lên xuống đều để lại vầng sáng trắng rất thích mắt. Đêm ba mươi, phía sân bay bao giờ cũng bắn pháo sáng. Tia sáng từ dưới đất phi thẳng lên và tỏa ra một vầng sáng chói lòa. Tôi thích nhất màn bắn pháo sáng của sân bay sau khi mọi nhà vừa dứt tiếng pháo. Nó như ngầm báo một điều may mắn, bình an sẽ đến trong năm mới. Thời khắc giao thừa qua nhanh như trong chớp mắt, chúng tôi cứ mặc nguyên quần áo mới mà ngồi vì sợ nằm thì áo sẽ nhàu. Thế mà ngủ quên luôn từ lúc nào, sáng mai thức dậy đã thấy mình cuộn trong chăn cùng với áo quần mới, giật mình tỉnh dậy vuốt mãi sao cho phẳng.
Sáng Mùng Một với quần áo mới, chúng tôi chạy lên đứng trước mặt cha mẹ chúc tết và để nhận tiền mừng tuổi đầu năm. Những đồng tiền thấm đẫm giọt mồ hôi chứ không mới như tiền mừng tuổi bây giờ, cũng tính đến mệnh giá cao hay thấp. Cứ được mừng tuổi là vui rồi.
Tết ngày xưa ở quê hay đi kèm với mưa. Mưa Xuân nhỏ thôi nhưng dai dẳng cũng đủ làm trơn ướt những con đường đất. Những đôi guốc mộc bằng gỗ xoan cứ muốn bay ra khỏi chân để mà trượt dài trên đường làm cho việc đi lại hết sức khó khăn. Ấy vậy mà có chịu ở yên đâu. Cùng lắm thì xách guốc lên đi chân trần, vừa đi vừa lên gân bấm mấy đầu ngón chân xuống đất bùn lầy cho khỏi "vồ ếch". Rồi Mùng Hai, Mùng Ba, ba ngày tết qua nhanh đến không ngờ. Tôi thẫn thờ tiếc nuối. Vậy là lại bắt đầu chờ đợi hơn ba trăm ngày nữa tết mới trở về.
Đời người như bóng câu qua cửa, thoắt cái tôi đã đi hơn nửa vòng đời nhưng tết vẫn luôn là niềm mong nhớ, nuối tiếc bâng khuâng. Như tôi hôm nay ra đi lại phải chờ đến hơn ba trăm ngày sau lại mới được "về tết". Về tết là về với những khoảnh khắc sum vầy bên người thân, gia đình, bè bạn. Về tết để tìm gặp lại chính mình trong những ngày xưa cũ để nghe rưng rưng một nỗi bâng khuâng như tết năm nào.
CHU MINH
Quy Nhơn, Bình Định