Tuổi thơ tôi ấm áp bởi tình yêu thương đong đầy của bà - những năm tháng bố mẹ tôi phải bươn chải kiếm sống xa nhà vì gia cảnh nghèo khó. Bà vừa là bà vừa thay mẹ nuôi tôi lớn khôn. Một năm có bốn mùa thì mùa nào với tôi cũng là mùa chứa chan tình bà, đặc biệt là ở bên bà những khi tết đến. Dù đói khổ thiếu thốn, bà vẫn tằn tiện, chắt chiu để tôi có cái tết ấm như bao người. Với tôi, bà chẳng khác nào bà tiên đến từ thế giới cổ tích kỳ diệu.
Những ngày tết bên bà, với tôi là vô vàn trải nghiệm thú vị khi được cùng bà đi chợ làng. Chợ ồn ào, náo nhiệt. Hàng hóa ngày tết phong phú, đủ đầy. Người người, nhà nhà ra chợ tấp nập, đông vui…
Lần đầu tiên được đi chợ tết, tôi không khỏi ngạc nhiên choáng ngợp nhưng rồi nhờ có bà, tôi tức thì trở nên ung dung, thoải mái. Bà dẫn tôi vòng quanh chợ làng, ngang qua hàng thịt cá; rẽ vào hàng rau củ, hoa quả; dọc theo hàng vàng mã, trầu cau… đến hàng lá dong, lá chuối, lạt tre; hàng quần áo đủ kiểu, đủ màu…
Tíu tít theo chân bà, lòng tôi trở nên khấp khởi. Chợ quê, người ngồi san sát, hàng hóa bày trên sạp tre, trên ghế gỗ, và tận dụng cả tấm bạt, lá chuối, thùng xốp… đặt trên nền đất. Chợ quê nên phần nhiều là sản vật vườn nhà, ruộng quê, là bao mồ hôi công sức ngày đêm vun xới của người làng. Bà mua những thứ cần thiết, trong đó có quần áo mới, dép mới mà tôi ao ước.
Theo bà đi chợ tết, tôi đã dần thấm thía lời lời bà, rằng: chợ quê chẳng những là nơi giao lưu buôn bán mà còn là tất cả niềm mong mỏi, hy vọng một năm mới đến hạnh phúc, đủ đầy.
Những ngày giáp tết, tôi lại theo bà ra vườn cắt lá dong, rồi chặt tre chẻ lạt. Tôi còn phụ bà ngâm gạo nếp, đỗ xanh, lau khô lá dong, xếp lạt dùng gói bánh. Tôi thoăn thoắt trải chiếu ở góc sân, bày biện mọi thứ sẵn sàng giúp bà. Ngồi bên bà, chăm chú nhìn từng chiếc bánh chưng vuông vức bà gói, nghe bà chỉ từng công đoạn làm bánh, luộc bánh… bằng tất cả sự tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo, lòng tôi quá đỗi ngưỡng mộ, tự hào.
Ông nội tôi mất sớm, mọi việc trong nhà, một tay bà thay ông quán xuyến, toan lo. Những điều bà biết, bà đều muốn truyền lại cho con cháu như là cách để mỗi người biết gìn giữ nét đẹp văn hóa tổ tiên, cũng là để đừng quên đi cội nguồn chính mình.
Những ngày tết bên bà, với tôi còn là được theo bà đi lễ Chùa làng. Năm nào cũng thế, hễ xong xuôi việc nhà cửa, cúng gia tiên, thăm hỏi họ hàng, bà cũng dẫn tôi đi chùa. Chùa là nơi thờ Phật linh thiêng, là biểu tượng của văn hóa tâm linh. Lên chùa lễ Phật với tâm lành ý thiện, tôi chắp tay niệm Phật, ước nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân, cho gia đình, cho quê hương, đất nước và cho bà. Giữa hương trầm thơm thoảng, giữa ngân vang chuông chùa bổng trầm, bên bà, lòng tôi cảm thấy an yên và càng tin vào những điều tốt đẹp ở đời.
Theo thời gian, tôi lớn lên, học tập, công tác rồi lập nghiệp xa nhà, mang theo những kỷ niệm ắp iu bên bà những ngày thơ ấu. Xa quê, nỗi nhớ niềm thương bà khiến tôi khắc khoải; đau đáu được trở về.
Mẹ bảo: những ngày cuối đời, tuy bà không khỏe nhưng lúc nào bà cũng nhắc nhớ từng đứa con đứa cháu. Bà thường ra ngồi dưới hiên nhà, đôi mắt mờ nhòe nhìn ra phía ngõ, tay đưa lên lẩm nhẩm đếm từng ngày đón cháu con về đoàn tụ, sum vầy. Nghe mẹ bảo cháu con sắp sửa về, bà móm mém gật gù mỉm cười, nụ cười thảnh thơi, mãn nguyện. Rồi bà ra đi nhẹ nhàng.
Vẫn biết rằng ai rồi cũng sẽ phải trải qua “sinh ly tử biệt”. Nhưng việc phải chấp nhận hiện thực bà đã đi xa khiến trái tim tôi không khỏi cô đơn, trống trải. Tôi nhớ lời bà luôn căn dặn, dù đi đâu, ở đâu, tết cũng phải trở về. Về để biết mình từ đâu mà lớn… Bao năm xa quê, tôi vẫn trở về bên gia đình ngày tết, dẫu cuộc sống còn nhiều có khó khăn, vất vả.
Đêm tháng Chạp, bên bếp lửa hồng, nồi bánh chưng vẫn sùng sục sôi… Con cháu đã tề tựu đông đủ. Thế nhưng lại thiếu bà. Mẹ gượng cười xua tan không khí tĩnh lặng buồn bã của cả nhà: "Không đâu. Bà vẫn ở đây, ngay bên cạnh chúng ta, trong từng chiếc bánh chưng xanh bố gói, trên mỗi luống rau xanh mẹ chăm, ở nét cười, câu nói thân thương cháu con nhắc về bà, trong cơi trầu, bình vôi… bà để lại… Bà sẽ mãi mãi ở trong trái tim chúng ta như một món quà vô giá!".
XANH NGUYÊN
Thị xã An Nhơn – Bình Định