Về nhà đi con, xét cho cùng, xứng đáng được ngợi khen. Nếu bỏ qua đoạn cuối phim lê thê, với những tình tiết không đáng để bị đẩy lên thành cao trào, hay chuyện khán giả bị bội thực vì thời lượng quảng cáo có khi bằng nửa thời lượng tập phim, thì tín hiệu vui từ bộ phim này là điều dễ cảm nhận. Một bộ phim có thoại bình dân, diễn viên diễn xuất tự nhiên, tình tiết trong phim có thể thấy ở các gia đình Việt, gần gũi và dễ chịu. Như vậy là đủ để xem Về nhà đi con là một cách làm phim “cũ mà mới”, cần được nhân rộng.
Trong muôn vàn thông tin ca ngợi sự “chính xác và kịp thời” xung quanh cái bằng khen của ngành văn hóa, vẫn có khá nhiều thông tin cảm thán cho rằng, giá như ông bộ trưởng và ngành văn hóa quan tâm hơn đến những điểm nghẽn của ngành bấy lâu, thay vì chỉ quan tâm tặng bằng khen đến “bộ phim truyền hình quốc dân” kia, sẽ hợp lý hơn. Là một “tư lệnh ngành”, ông bộ trưởng có nhìn thấy những bất cập, tồn tại từ năm này sang năm khác mà ngành văn hóa đang gặp phải? Hay ai cũng thấy cả nhưng mãi không có giải pháp khắc phục những hạn chế và điểm nghẽn đó?
Loay hoay và bí bách, ngành văn hóa vẫn đang tìm giải pháp cho những điều tồn tại bất hợp lý mà cả xã hội đều nhận ra. Phim ảnh Việt thua trắng trên sân nhà, mỗi năm lo “rạp đấu” với hàng loạt phim bom tấn từ nước ngoài. Tỷ lệ phim Việt so với phim ngoại ra rạp có lúc là 20% - 80%, quá không cân sức. Còn các quỹ điện ảnh, được đề xuất từ những năm 1990 của thế kỷ trước, đến nay vẫn chỉ là dự thảo trình đến lần thứ ba và nghe đâu tương lai cũng chẳng mấy sáng sủa, vì còn vô số vấn đề chưa giải quyết được, liên quan đến chuyện quản lý và chi tiêu. Những người yêu điện ảnh chỉ mong Bộ VH-TT-DL đấu tranh cho đến cùng để có quỹ này, nhưng đó chỉ là mong muốn. Nghệ thuật truyền thống mai một, nhất là khi các thiết chế văn hóa dần mất đi, nghệ sĩ - nghệ nhân truyền nghề ngày một già và cũng dần ra đi. Thiếu chỗ diễn, thiếu người truyền nghề, thiếu cả người học vì bấp bênh đầu ra, nghệ thuật truyền thống tồn tại và phát triển thế nào nếu vẫn chỉ loay hoay chuyện diễn - chuyện sống?
Mỹ thuật, nhiếp ảnh thì dư luận hoài nghi, đâu thật, đâu giả ai mà biết được. Khi chính triển lãm danh tác lại là hàng dỏm, chẳng thấy ai lên tiếng nhận trách nhiệm. Còn hàng thiệt thì bị đối xử tệ, bảo tồn yếu kém, đem bảo vật quốc gia ra cho anh thợ vườn sửa chữa! Ca nhạc - truyền hình là miếng bánh ngon từ câu chuyện bán sóng. Nhiều khi, người bán còn chẳng biết khán giả sẽ được thưởng thức gì từ người mua. Bởi mua đứt thì bán đoạn, há miệng mắc quai…
Ngành sách - xuất bản cứ mãi than thở về sách giả, sách lậu nhưng không có động thái quyết liệt nào từ cơ quan quản lý nhà nước giải quyết vấn nạn này, hay chỉ là những đợt ra quân xử lý manh mún và rời rạc. Văn hóa cơ sở thì hỡi ôi, không thấy những người đứng đầu ngành văn hóa chịu khó đi xuống nhà văn hóa ở vùng sâu, vùng xa hay những sân chơi của bà con miền núi, để xem họ hưởng thụ gì, thay vì mở các đợt “vi hành” rầm rộ, ngó qua rồi biến mất.
Xảy ra những bất cập trên đây, ngành văn hóa đang ở đâu? Ở thời đại mà công chúng có nhiều sự lựa chọn thì không thể bắt họ thưởng thức một “miếng bánh” cũ, khô khốc. Chưa bao giờ, ngành văn hóa mở một cuộc khảo sát công tâm và minh bạch, xem nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng hiện nay là gì để tự thay đổi mình, thậm chí khảo sát xem họ không hài lòng gì ở ngành của mình để cùng ngồi lại và khắc phục. Đó là không sòng phẳng với công chúng, với nhân dân. Người dân có quyền hưởng thụ văn hóa. Đừng nói rằng hiện có nhiều sự lựa chọn, khắc phục từ công nghệ đến khoảng cách địa lý, để công chúng được hưởng thụ văn hóa, mà quên rằng nghĩa vụ đem sản phẩm, thiết chế văn hóa hoàn chỉnh và “sạch” đến công chúng là trách nhiệm của chính ngành văn hóa.
Một nghệ nhân lớn tuổi, khi được vinh danh nghệ nhân nhân dân, đã tâm sự: “Chúng tôi không cần được khen, được bắt tay động viên vượt khó để bảo tồn và truyền dạy nghề. Chúng tôi chỉ cần nơi truyền dạy, cần nơi trình diễn để văn hóa dân gian nước mình không bị mai một”.
Thay vì được lòng dư luận với những cái bằng khen, hãy để dư luận thấy được, ngành văn hóa thật sự vận động, trở bộ và thay đổi, bằng những việc làm thật, tấm lòng thật và kết quả thật.