Bàng hoàng vì cà phê “pin”

Lo lắng và bất an là nỗi lo hiện nay của người dân Bình Phước có thói quen uống cà phê mỗi ngày. 
Đây là hệ lụy của hành vi nhuộm đen cà phê bằng… pin mà cơ sở kinh doanh của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ngụ thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) khai với cơ quan chức năng rằng tỉnh Bình Phước là thị trường tiêu thụ nhiều nhất loại cà phê trộn hóa chất này. 
Người dân bất an
Khảo sát một vòng tại nhiều quán cà phê đóng trên địa bàn thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước mới biết người tiêu dùng tỏ ra sợ hãi như thế nào trước hung tin trên, nhất là với những người nhiều năm coi cà phê là thức uống hàng ngày.
Năm nay 37 tuổi, ông Phạm Văn Quốc (ngụ phường Tân Xuân, TX Đồng Xoài) đã có gần 20 năm uống cà phê, mỗi ngày ông uống từ 2 - 3 ly. Do tính chất công việc nên mỗi lần giao tiếp với khách hàng anh đều chọn thức uống là cà phê. Song anh Quốc không cầu kỳ phân biệt quán để uống mà ông uống từ những quán sang trọng mang tên “cà phê nguyên chất” đến những quán cóc liêu xiêu nơi lề đường.
“Qua báo chí, tôi không khỏi bàng hoàng vì nhiều năm nay uống quá nhiều loại cà phê. Theo thói quen, tôi vẫn gọi cà phê buổi sáng nhưng bất giác nhớ lại việc cà phê bị nhuộm bằng pin lại rùng mình khi nhìn thấy màu đen từ ly cà phê”, anh Quốc nói. 
Anh Lê Văn Cần (ngụ phường Tân Đồng, TX Đồng Xoài) cũng chung tâm trạng lo lắng, bởi thói quen uống cà phê đã “ngấm vào máu” nên dù có thông tin về cà phê nhuộm pin nhưng anh vẫn uống đều đặn. “Nghe tin về cà phê nhuộm lõi pin tôi vô cùng hoang mang vì sợ uống phải chất đó sẽ bị ung thư. Nhưng do nghiền cà phê mấy chục năm nay nên tôi khó bỏ thức uống thân thiết này được. Hiện tôi vẫn sử dụng cà phê, nhưng chọn quán cà phê có uy tín về chất lượng”. 
Cùng chung sở thích uống cà phê, anh Nguyễn Xuân Đức (phường Tân Xuân, TX Đồng Xoài) chia sẻ: “Tôi không có thói quen uống cà phê ở quán cóc mà chỉ uống ở những quán có uy tín và bán cà phê rang xay tại chỗ. Điều này làm tôi rất yên tâm dù hiện đang có thông tin cực sốc về “cà phê pin”. 
Cách nhận diện cà phê 
Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước, hiện nay vẫn chưa rõ lộ trình tiêu thụ cà phê nhuộm đen bằng pin của cơ sở sản xuất tại Đắk Nông và vẫn đang được khẩn trương điều tra, xác minh. Trong khi đó, về phía nhà sản xuất được coi là làm ăn chân chính tỏ thái độ bức xức.
Là một trong những thương hiệu cà phê nguyên chất khá quen thuộc tại Bình Phước, anh Lê Hoàng Công, chủ thương hiệu “Công cà phê” khẳng định hành vi của chủ cơ sở nhuộm đen cà phê bằng... pin là cực độc hại bởi đây là kim loại nặng không phù hợp với thực phẩm.
“Trong than pin chứa hàng chục thành phần hóa chất, trong đó nhiều nhất là các kim loại nặng. Mà kim loại nặng, nếu cơ thể tiếp thu nhiều sẽ bị ngộ độc, là điều ai cũng biết. Nếu ngộ độc cấp, nặng thì xảy ra các triệu chứng ngay tại chỗ, thậm chí có thể mất mạng. Còn nếu dùng thường xuyên thì độc tố tích tụ, là mầm mống gây ung thư”, anh Công nói. 
Theo anh Công, việc dùng pin “chế tạo” thành cà phê sẽ gây tổn hại cho các cơ sở sản xuất cà phê không nhỏ. Bởi nó sẽ làm mất niềm tin của người tiêu dùng, sẽ gây hoang mang bởi người tiêu dùng không biết đâu là cà phê thật, đâu là cà phê giả.
Bàng hoàng vì cà phê “pin” ảnh 1 Anh Công (bên phải - chủ thương hiệu Cà phê Công) đang giới thiệu sản phẩm cà phê Công  tại Hội chợ triển lãm thương mại Campuchia - Lào - Việt Nam tháng 12-2017 
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành chế biến cà phê, anh Công cho hay: Người tiêu dùng chỉ cần cho cà phê vào nước, nếu là cà phê pha trộn sẽ nhanh chóng làm ly nước đổi sang màu đen và chìm hết xuống đáy ly, còn cà phê nguyên chất khi cho vào nước sẽ ngấm từ từ và rơi xuống khá chậm, màu của ly nước chỉ thay đổi nhẹ sang màu nâu cánh gián. 
Cũng theo chủ cơ sở này thì người tiêu dùng cần chọn những quán cà phê có uy tín về thương hiệu và chất lượng để đảm bảo sức khỏe và điều may mắn là “Những năm gần đây, xu hướng cà phê rang xay nguyên hạt, không sấy tẩm hóa chất đã dần dần thắng thế. Các nhà sản xuất và chế biến cà phê đang nỗ lực vì một nền thức uống sạch, cà phê organic, vừa bảo vệ sức khỏe con người, vừa làm tăng giá trị cà phê xuất khẩu, đem lại danh tiếng, uy tín cho cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới”.

Tin cùng chuyên mục