Theo ông Lê Hoàng Châu, bảng giá đất mới đã có tiếp thu và điều chỉnh theo kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) để hợp lý hơn. Chẳng hạn, từ chỗ giá đất tại đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ là 810 triệu đồng/m2 đã điều chỉnh còn 687 triệu đồng/m2, giảm hơn 15% so với bảng giá đất dự thảo trước đây.
Việc soạn thảo bảng giá đất không nhân đồng loạt cùng một hệ số. Ví dụ như dự thảo bảng giá đất trước đây của quận 1 dùng bảng giá đất cũ nhân 5 lần thì ra giá đất mới, nhưng khi ban hành chính thức, giá đất được tính toán phù hợp hơn, có nơi nhân 4 lần, chỗ thì 3 lần… Có sự khác biệt rõ rệt, đặc biệt là không có nơi nào nhân 5 lần.
Hoặc tại quận 4, dự thảo nhân đồng loạt 11,3 lần, tương tự quận 5 nhân đồng loạt 5,6 lần nhưng bảng giá đất mới ban hành đã điều chỉnh lại cách làm.
Việc áp đặt giá đất tăng 50,7 lần ở đoạn đường song hành Quốc lộ 22 từ đường Nguyễn Ảnh Thủ lên Lý Thường Kiệt của huyện Hóc Môn. Nếu đẩy giá đất lên như thế thì kinh khủng, sau khi chỉnh sửa lại chỉ còn nhân khoảng 32,3 lần.
Về cơ bản với bảng giá đất này, nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình không có sự thay đổi quá cao so với những người đã nộp tiền sử dụng đất từ đầu năm đến nay.
Trước mắt, bảng giá đất sẽ tác động trực tiếp đến cá nhân, hộ gia đình, giá khởi điểm đấu giá - căn cứ bảng giá đất. Còn đối với thị trường BĐS, sẽ không bị tác động, bởi vì các dự án BĐS được định giá đất theo phương pháp thặng dư nên không căn cứ vào bảng giá đất.
Tuy nhiên, bảng giá đất sẽ tác động đến thị trường BĐS nhưng ảnh hưởng như thế nào sẽ do thị trường quyết định. Bởi vì khi người dân nộp tiền bảng giá đất này cao hơn trước thì đương nhiên sẽ chuyển nhượng lại đất cho doanh nghiệp làm dự án BĐS cao hơn.
Việc áp dụng bảng giá đất này phải tính đến 4 đối tượng bị tác động gồm: trường hợp xin cấp giấy chứng nhận lần đầu; hợp pháp hóa phần đất nông nghiệp và phi nông nghiệp trong cùng thửa đất gắn liền với nhà ở đã được cấp sổ hồng một phần; những người tách thửa gắn liền chuyển mục đích sử dụng đất để cho con, cho cháu; đối tượng yếu thế sống trong các khu quy hoạch treo, khu dân cư xây dựng mới treo, khu dân cư chỉnh trang treo, hoặc dự án treo…
Đáng chú ý, Nghị định 71 có tính tới trường hợp chỉ nộp tiền sử dụng đất 20%, hoặc nộp 40%, hoặc nộp 70%... Những trường hợp này vận dụng vào TPHCM phải đòi hỏi sự sáng tạo, trách nhiệm của TPHCM. Việc phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh, Luật Đất đai phân cấp rất lớn, rồi Nghị quyết 98 của Quốc hội… nên thành phố sẽ vận dụng để lo cho dân, bởi nguyên tắc lớn nhất của tài chính đất đai là hài hòa lợi ích của các chủ thể có liên quan.