Bảng giá đất mới phải phù hợp với nhiều đối tượng

Liên quan đến dự thảo bảng giá đất mới được Sở TN-MT lấy ý kiến xã hội (dự kiến áp dụng từ ngày 1-8-2024) gây sốc với người dân do mức tăng có nơi đến vài chục lần, trong cuộc họp báo chiều 29-7, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng khẳng định bảng giá đất điều chỉnh giúp giá đất sát với giá thị trường và không gây xáo trộn lớn cho thị trường bất động sản. Ngày 30-7, phóng viên Báo SGGP ghi nhận thêm một số ý kiến góp ý dự thảo này.

Khu vực cầu vượt Củ Chi (huyện Củ Chi) có mức giá đất tăng cao, nếu áp dụng bảng giá đất mới. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khu vực cầu vượt Củ Chi (huyện Củ Chi) có mức giá đất tăng cao, nếu áp dụng bảng giá đất mới. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang:

Xem xét các trường hợp do “yếu tố lịch sử”

Với dự thảo bảng giá đất mới tại TPHCM mà Sở TN-MT TP vừa công bố, chúng tôi thấy rằng giá đất điều chỉnh sát giá thị trường, người dân bị thu hồi đất sẽ được lợi về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giúp hạn chế tình trạng khiếu nại về giá. Với người dân đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất, nếu họ phải đóng với mức giá cao hơn, tiệm cận với thị trường như ngành chức năng xác định thì cũng có nghĩa giá trị đất đai của họ cũng đã tăng lên. Và như vậy, việc họ thực hiện nghĩa vụ tài chính tương ứng với giá trị đất của họ cũng là hợp lý.

&2b.jpg

Tuy vậy, ở vùng ngoại thành, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà ở là khá lớn, nhưng nhiều gia đình qua nhiều thế hệ vẫn chưa đủ tiền để chuyển đổi. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình, cá nhân có đất bị vướng quy hoạch treo, quy hoạch đất dân cư xây dựng mới, điều kiện về hạ tầng... từ hàng chục năm trời chưa làm sổ, chuyển mục đích được. Nay tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất tăng theo bảng giá mới sẽ gây khó khăn cho người dân ở các địa phương này. Cơ quan chức năng cần xem xét đến yếu tố này để có giải pháp hỗ trợ cho người dân.

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình:

Nguy cơ tăng giao dịch bằng giấy tay

Nếu giá đất tăng lên bằng giá thị trường thì điều đó sẽ tốt cho thị trường, vì tất yếu những giao dịch mua bán ký với nhau là giá thị trường, hạn chế được tình trạng người mua, bán cùng nhau ký thấp hơn để trốn thuế. Tuy nhiên, nếu nghĩa vụ tài chính tăng cao có thể dẫn đến một bộ phận người dân không làm thủ tục cấp “sổ đỏ”, thay vào đó giao dịch nhà đất bằng giấy tay, làm tăng “thị trường ngầm”.

&2c.jpg

Theo khảo sát, tiền sử dụng đất hiện chiếm khoảng 10% giá thành căn hộ nhà chung cư, 30% giá thành nhà phố, 50% giá thành biệt thự. Giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp tại đô thị khó tạo lập nhà ở hơn. Ngoài ra, việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt các dự án có sử dụng đất. Tôi hy vọng và chờ đợi việc triển khai trong thực tiễn sẽ có nhiều giải pháp phù hợp với mọi đối tượng.

Ông Lê Đình Nam, ngụ phường 7, quận 8 (TPHCM):

Chia nhỏ việc thực hiện nghĩa vụ tài chính

Tôi được thừa kế lô đất nông nghiệp gần 1.000m2 ở quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) từ năm 2008. Do chưa có nhu cầu sử dụng và kinh tế eo hẹp nên đến nay vẫn chưa lên thổ cư. Tôi dự tính, khoảng giữa năm 2025 sẽ xin chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư và tách thành 3 thửa cho 2 đứa con xây nhà, thửa còn lại để dành hai vợ chồng dưỡng già. Mấy ngày qua, theo dõi qua báo chí, tôi lo lắng đến mất ngủ vì giá đất mới của khu vực này theo dự kiến tăng từ 10-20 lần. Theo đó, chi phí bỏ ra để hoàn tất hồ sơ chuyển đổi sẽ tăng từ 3-5 lần so với hiện tại. Với số tiền đang có, gia đình tôi không đủ để đóng thuế sử dụng đất.

&2d.jpg

Ngành chức năng TPHCM cần nghiên cứu việc tăng giá đất có lộ trình. Mong cơ quan chức năng cho người dân được giãn thời gian đóng thuế, hoặc chia nhỏ, đóng theo từng đợt để giảm bớt áp lực về tài chính.

Theo Sở GTVT TPHCM, từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng mới hệ thống cầu, đường nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Đơn cử, dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài dự kiến sẽ thu hồi khoảng 204ha đất ở các xã Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Nhuận Đức, Phước Hiệp, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng và Phước Thạnh (huyện Củ Chi). Với hai đoạn còn lại thuộc tuyến đường Vành đai 2 ở TP Thủ Đức chưa khép kín (tổng chiều dài hơn 6km, từ cầu Phú Hữu tới đường Phạm Văn Đồng), nhu cầu sử dụng đất triển khai thi công đường tại đây ước tính hơn 61,5ha, với khoảng 935 trường hợp bị ảnh hưởng… Như vậy, với hàng ngàn hộ dân phải di dời để Nhà nước thực hiện các công trình này, một bảng giá đất cập nhật với thị trường sẽ là điều kiện cho họ được đền bù thỏa đáng về nhà đất.

Tin cùng chuyên mục