Bàn về một trong ba đột phá để ĐBSCL phát triển

Để ĐBSCL phát triển cần 3 đột phá: Thể chế, hạ tầng và con người. Trong đó, con người bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao và "then chốt của then chốt" là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quyết liệt.

Ngày 24-9, tại TP Cần Thơ diễn ra Hội thảo khoa học Xây dựng đội ngũ cán bộ “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung" ở ĐBSCL.

01.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tham dự hội thảo có TS Phan Công Khanh, Giám đốc Học Viện chính trị khu vực IV, cùng đại diện các trường chính trị, ban, ngành khu vực ĐBSCL.

Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Học Viện chính trị khu vực IV, cho hay, ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, ĐBSCL đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, khá toàn diện về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh. Những thành công trên có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ của ĐBSCL. Tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị đã có sự chuyển biến rõ nét.

Nhiều địa phương đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước gắn với thực tiễn. Nhiều tỉnh, thành phố đã tạo mọi điều kiện để cán bộ phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, vận dụng tối đa mọi chủ trương để khuyến khích và bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung ở ĐBSCL còn nhiều hạn chế.

Tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm diễn ra khá phổ biến ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Để ĐBSCL phát triển cần 3 đột phá: Thể chế, hạ tầng và con người. Trong đó, con người bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao và "then chốt của then chốt" là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quyết liệt.

02.jpg
Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, nhiều báo cáo, tham luận đã chỉ ra những tồn tại và đề xuất các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ.

Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp ở vùng ĐBSCL cần nhận thức được tính tất yếu, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cần nhận thức rõ trong thực thi công vụ nếu để diễn ra tình trạng thụ động, sợ sệt, chờ xin ý kiến hoặc "đá bóng" lẫn nhau sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ công việc chung.

Do vậy, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức của ĐBSCL cần nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện nghiêm những điều mà pháp luật cho phép, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, trước những yêu cầu mới, hoàn cảnh mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải thay đổi cách nghĩ, cách làm để thích ứng nhanh, sáng tạo, đúng pháp luật và có lợi cho dân.

Đồng thời, cần xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, phát huy tính dân chủ, tích cực, sáng tạo của cán bộ công chức. Tạo điều kiện cho cán bộ chủ động đề đạt những ý kiến, nguyện vọng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.

Hội thảo là dịp các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, phục vụ tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ vùng ĐBSCL.

Đồng thời, góp phần cung cấp luận cứ cho việc hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Tin cùng chuyên mục