Ngày 11-5, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá hiện trạng và đề xuất toàn diện quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt TP Đà Nẵng”.
Bất cập hệ thống thoát nước
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, tình trạng xuất hiện những cơn mưa cực đoan ngày càng tăng. Đà Nẵng ngập trên diện rộng qua hai đợt mưa lớn vào tháng 10-2022 và tháng 10-2023. Từ đó, địa phương thấy rõ được bất cập về cao trình, hệ thống thoát nước.
Để giải quyết bài toán này, một trong những giải pháp trọng tâm là lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự kiến đồ án sẽ hoàn thành trong tháng 7-2024.
Đồ án sẽ xác định các giải pháp quy hoạch cao độ nền, thoát nước mặt hợp lý và xác định cao trình xây dựng khống chế của từng khu vực xây dựng cụ thể, các đường phố chính cấp đô thị có xét đến tác động biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng theo quy hoạch chung được duyệt. Cùng với đó, xác định chỉ tiêu, thông số cơ bản, các lưu vực thoát nước; mạng lưới thoát nước cấp 1, cấp 2, kênh, hồ điều hòa và các nguồn tiếp nhận khác; vị trí, quy mô các công trình đầu mối tiêu thoát chính; các giải pháp phòng chống thiên tai có lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng....
Tận dụng mảng xanh để giảm ngập
Theo đánh giá của các chuyên gia, dự thảo đồ án được nghiên cứu khá công phu. Nhiều số liệu cơ bản được cập nhật. Trình tự thực hiện đảm bảo tuân thủ theo quy định. Việc xác định cao độ nền hay quy hoạch hệ thống thoát nước mưa bước đầu đã có tính toán dựa vào luận cứ khoa học, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Tuy nhiên, đồ án còn một số vấn đề cần làm rõ như cao độ san nền tại khu vực nội đô; quan điểm tính toán dòng chảy trong hệ thống thoát nước mưa….
PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng cục HTKT- Bộ Xây dựng cho rằng, theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021, các khu vực cũ, khu vực cải tạo cần đề xuất giải pháp xử lý, không nhất thiết phải bảo đảm (đắp thêm) để có cao độ nền tương ứng với tần suất thiết kế lũ 1% (mưa lũ cực đoan 100 năm xuất hiện một lần) . Vì thế, trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần làm rõ các khu vực được giữ nguyên cao độ nền, khu vực có sự thay đổi. Đối với khu vực không đáp ứng được tần suất tính toán 1% thì cần bổ sung giải pháp “sống chung” với ngập nước khi mưa quá lớn.
“Trong các lưu vực thoát nước, hồ điều hòa đóng vai trò quan trọng nhưng đồ án Điều chỉnh chưa làm rõ được vai trò góp phần chứa, điều tiết nước mưa khi có mưa lớn. Những khu vực bố trí công viên, vườn hoa, mảng cây xanh,... cần được tận dụng làm nơi chứa nước mưa tạm thời, làm giảm ngập úng, thoát nước bền vững cho đô thị”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến nêu rõ.
Đề cập đến vấn đề thoát nước, theo GS.TS. Trần Viết Ổn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, Đà Nẵng là thành phố sát biển nên sẽ có ưu thế gần như tuyệt đối trong vấn đề thoát nước. Do vậy, Đà Nẵng nên thoát nước ưu tiên ở biển và thoát phân tán. Dự thảo đồ án đã phân ra thành từng tiểu khu để mà tiêu thoát, chứ không tập trung ở một chỗ. Về quy hoạch cao độ nền, phần lớn các khu vực hiện trạng của TP Đà Nẵng chỉ có khả năng chịu được tần suất ngập là 5% (mưa lũ cực đoan 20 năm xuất hiện 1 lần), từ số xác định cao độ nền của quy hoạch tương lai, ông cho là hợp lý. Bởi, hiện khu vực nền Đà Nẵng hầu như có dân cư sinh sống.