Tuy nhiên, ở bậc ĐH, chương trình đào tạo cho sinh viên gần như thiếu vắng môn học này. Giáo dục ĐH là giai đoạn giáo dục bậc cao, chúng ta không chỉ chú trọng đào tạo kiến thức, kỹ năng, mà còn tăng cường bồi dưỡng các phẩm chất đạo đức trong học tập, nghiên cứu và sinh hoạt cho sinh viên. Sinh viên là những trí thức được đào tạo trong môi trường tự do học thuật, các em phải biết nhìn thẳng, nói thật.
Cũng theo PGS-TS Vũ Hải Quân, việc tạo lập các chuẩn mực đạo đức cho sinh viên không nên quá ôm đồm, nặng về lý thuyết mang tính áp đặt đối với các em. Hơn hết, các chuẩn mực đạo đức này phải được chuyển hóa trong chương trình đào tạo, là nền tảng định hình tác phong trong việc học và nghiên cứu của sinh viên. Nếu chúng ta chỉ nêu ra các chuẩn mực, chúng ta mới đi được một nửa chặng đường.
Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, ở cấp ĐH Quốc gia TPHCM, có thể thấy rõ sự quan tâm đến những vấn đề đạo đức trong công tác và học tập của cả 3 nhóm đối tượng cán bộ, giảng viên và sinh viên. Một mặt, bám sát những nội dung về đạo đức được quy định trong hệ thống văn bản pháp quy từ cấp Trung ương, thành phố, để làm căn cứ thực hiện các quan hệ ứng xử trong hoạt động của mình. Mặt khác, ĐH Quốc gia TPHCM cũng chú trọng các khía cạnh đạo đức nghề nghiệp được thể hiện qua các quy chế, quy định về đào tạo, nghiên cứu khoa học và các quy định khác.