Cụ thể, Luật hiện hành (khoản 2 điều 26) quy định: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ), nhiều tổ chức, cá nhân nhầm tưởng số kinh phí 2% chỉ nhằm để phục vụ cho công đoàn cấp trên cơ sở trở lên, nên đặt câu hỏi về mục đích sử dụng nguồn kinh phí này.
Chi cho người lao động ngày càng giảm
Báo cáo tổng kết thực hiện luật Công đoàn của Tổng LĐLĐ VN cho biết, trong tổng số chi 76.955 tỷ đồng của 7 năm vừa qua (2013 - 2019), chi chăm lo cho người lao động là khoảng 45.900 tỷ đồng và chi khác (bao gồm lương, phụ cấp; đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa tài sản; chi quản lý hành chính; chi hoạt động…) là 31.400 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là trong giai đoạn 2013 - 2019, tỷ lệ chi cho người lao động/tổng chi là 59,6%. Còn theo kết quả kiểm toán năm 2019, tỷ lệ chi trực tiếp cho người lao động chỉ còn 46%, tức là đã giảm tới 13,6%.
Vẫn theo Tổng LĐLĐ, trong 6 năm qua, công đoàn nói chung đã chi riêng cho lương, phụ cấp số tiền gần 14.000 tỷ đồng, trong đó tại cấp Tổng LĐLĐ khoản chi này chiếm 30,1% tổng chi; tại cấp tỉnh ngành chiếm 28,6% tổng chi; tại cấp quận huyện và đơn vị sự nghiệp chiếm 34,5% tổng chi và tại công đoàn cơ sở chiếm ít nhất - 13,1% tổng chi.
Riêng chi lương phụ cấp và quản lý hành chính chiếm tới 20.200 tỷ đồng, gần 26,3% tổng chi công đoàn, đồng nghĩa với việc cứ chi cho người lao động 1 đồng lại mất nửa đồng chi lương và hành chính.
Về chi, qua kiểm toán năm 2019, theo Kiểm toán Nhà nước, Tổng LĐLĐ VN không giao dự toán chi theo từng mục (chi lương, chi quản lý hành chính, chi phong trào…) mà giao chung định mức chi/người với tiêu chí 200 triệu/biên chế/năm đối với đơn vị cấp hỗ trợ (thu thấp hơn chi); 220 triệu đồng/biên chế/năm đối với đơn vị tự cân đối (thu bằng chi) và 240 triệu đồng/biên chế/năm đối với đơn vị nộp nghĩa vụ (có số thu cao hơn chi).
Nhưng thực tế thì việc phân bổ dự toán của Tổng LĐLĐ cũng chưa tuân thủ chính quy định này. Năm 2019, có 13 đơn vị được cấp hỗ trợ, định mức phân bổ và quyết toán trung bình là 271 triệu đồng/biên chế, trong đó cao nhất là 478 triệu đồng/biên chế (LĐLĐ tỉnh Lai Châu), chỉ có 1 đơn vị thấp hơn định mức 200 triệu/biên chế là Công đoàn ngành Công an.
Có 9 đơn vụ tự cân đối định mức phân bổ được quyết toán trung bình là 284 triệu đồng/biên chế, trong đó thấp nhất là Hòa Bình - 251 triệu đồng/biên chế và cao nhất là Công đoàn ngành Hàng hải - 420 triệu đồng/biên chế. Riêng các đơn vị nộp nghĩa vụ thì định mức chi quyết toán trung bình còn cao hơn nữa, trung bình là 463 triệu đồng/biên chế, trong đó đơn vị quyết toán cao nhất lên tới 909 triệu đồng/biên chế.
Nếu so sánh cùng cơ quan quản lý hành chính thì định mức chi như vậy là cao hơn rất nhiều so với định mức chi hành chính của biên chế nhà nước khác (chỉ từ 43,7 - 60,7 triệu đồng), tức là cao hơn từ 500% tới cả nghìn % (có một phần nguyên nhân do cách giao dự toán không tách bạch rõ ràng giữa chi chi lương với chi quản lý hành chính, chi phong trào của Tổng LĐLĐ).
Định đoạt 20.000 tỷ đồng như thế nào?
Thẳng thắn chỉ ra rằng quy định của Luật Công đoàn hiện hành tạo sự chủ động cho Tổng LĐLĐ quy định hướng dẫn quản lý, sử dụng, quyết toán tài chính công đoàn, quản lý tài sản (mà không phải lấy ý kiến hoặc có thỏa thuận trước khi ban hành với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành), đồng nghĩa với việc Tổng LĐLĐ có toàn quyền định đoạt với 20.000 tỷ đồng thu được mỗi năm là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, Kiểm toán Nhà nước cho rằng tỷ lệ chi trực tiếp cho người lao động rất thấp và các chi phí khác quá cao. Một hệ quả là khoản kết dư đến gần 29.000 tỷ đồng đang được gửi ngân hàng lấy lãi, đầu tư…
Việc Tổng LĐLĐ hướng dẫn về cán bộ chuyên trách 2.500 lao động/ 1 biên chế cũng được KTNN cho là không phù hợp, mang tính cào bằng, số biên chế công đoàn chuyên trách tại đơn vị quản lý nhiều lao động cũng như đơn vị quản lý ít lao động, dẫn tới tại LĐLĐ TPHCM có định mức 7.470 lao động/biên chế, nhưng ở LĐLĐ tỉnh Kon Tum lại là 333 lao động/biên chế.
Từ những lý do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị sửa đổi Luật Công đoàn theo hướng quy định hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn để đảm bảo công khai, minh bạch; bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong ban hành chính sách, chế độ thu, thi tài chính công đoàn, thẩm định quyết toán để đảm bảo phát huy hiệu quả các nguồn lực nhà nước.
Cơ cấu chi của các cấp công đoàn giai đoạn 2013 - 2019 - Tại cấp Tổng Liên đoàn, chi cho hoạt động 36,3% (208 tỷ đồng); chi lương, phụ cấp chiếm 30,1%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn tài sản cố định 13,3%; chi quản lý hành chính 20,3%. - Tại cấp tỉnh ngành, chi cho hoạt động chiếm 34.5%; chi lương, phụ cấp chiếm 28,6%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn TSCĐ 19,9%; chi quản lý hành chính 16,5%; chi hoạt động tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở 0,5%. - Tại cấp quận huyện và đơn vị sự nghiệp, chi cho hoạt động chiếm 44%; chi lương, phụ cấp chiếm 34,5%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn TSCĐ 5%; chi quản lý hành chính 15,7%; chi hoạt động tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở 0,8%. Cho đến cấp công đoàn cơ sở mới có chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động với tỷ trọng chi là 81,5%; chi lương, phụ cấp chiếm 13,1%; chi quản lý hành chính chỉ chiếm 5,2%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn tài sản cố định. chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chỉ 0,2%. Tổng LĐLĐ lý giải: “Nội dung chi hoạt động tại các công đoàn cấp trên trực tiếp trở lên cũng chủ yếu là cho các hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên và người lao động tại công đoàn cơ sở”. (Trích Báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam) |