Lan tỏa yêu thương
Anh Võ Ngọc Hòa (34 tuổi, ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) hiện đang là trưởng nhóm thiện nguyện Bụi Kết Nối. Năm 2016, anh thành lập nhóm thiện nguyện gồm 1.000 bạn trẻ ở rải rác trên khắp cả nước. Đối tượng nhóm luôn hướng tới là trẻ em nghèo vùng cao, hộ gia đình nghèo, người già neo đơn không nơi nương tựa. Nhóm đã tổ chức được nhiều chương trình thiện nguyện như trao học bổng, xây trường học, tặng quà cho trẻ em nghèo, hộ dân nghèo ở tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Lắk, Quảng Bình…
Một nhóm thiện nguyện khác ở TPHCM cũng thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa là nhóm Người vận chuyển, thành lập từ năm 2017, gồm 1.000 thành viên. Mục tiêu của nhóm là chăm lo cho các em nhỏ hộ nghèo vùng cao, dân tộc thiểu số.
Chị Tống Như Quỳnh (33 tuổi, ở quận Thủ Đức) là quản lý nhóm, chia sẻ: “Khi làm các chương trình thiện nguyện, mình mong mang đến chút niềm vui và hạnh phúc cho các em nhỏ; tạo cho các em một sân chơi bổ ích, hướng đến văn hóa truyền thống, hỗ trợ các kiến thức ngoài xã hội, tự bảo vệ bản thân, tránh bị xâm hại. Các suất học bổng, quà tặng dù nhỏ cũng tạo thêm động lực để các em vươn lên, cố gắng trong học tập và cuộc sống”.
Nguyễn Thị Trúc Phương (22 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Nai) là trưởng nhóm Vòng tay thiện nguyện, đang thực hiện chương trình “Gieo ước mơ bóng đá”, giúp đỡ trẻ em nghèo trên khắp Việt Nam có sân bóng, để vui chơi, tập luyện.
Phương chia sẻ: “Tôi trải qua thời thơ ấu nghèo khó, túng thiếu, đã từng được nhận sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để tiếp tục việc học. Do vậy, tôi rất thấu hiểu tình cảnh khó khăn, những trở ngại trên con đường học tập của các em nhỏ hộ nghèo, và mong muốn giúp đỡ người nghèo vùng sâu vùng xa, đặc biệt là các em học sinh nhà nghèo hiếu học. Tôi tâm nguyện đóng vai trò là cầu nối giữa các hoàn cảnh khó khăn với những người hảo tâm, mang yêu thương và những điều tốt đẹp lan tỏa ra cuộc sống, tiếp thêm năng lượng cho những trẻ em nghèo theo đuổi ước mơ của mình”.
Vượt muôn vàn khó khăn
Phần lớn nhóm thiện nguyện hiện nay đều là nhóm tự phát, do các bạn trẻ đam mê làm công tác xã hội đứng ra thành lập, tổ chức hoạt động. Do vậy, việc kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng cũng gặp không ít khó khăn.
Anh Võ Ngọc Hòa trải lòng: “Những nơi chúng tôi tổ chức chương trình chủ yếu là vùng núi xa xôi, do vậy, việc tổ chức chương trình khá vất vả, khi gặp sự cố rất khó khắc phục. Có lần, năm 2018, nhóm tổ chức chương trình ở tỉnh Quảng Bình, đã đi khảo sát từng địa bàn, làm việc với UBND xã, xin giấy tờ và trình kế hoạch chương trình, UBND xã cũng đã chấp nhận. Tuy nhiên, UBND xã lại không báo cáo cho huyện, do vậy khi gần 100 bạn trẻ từ TPHCM vừa đến Quảng Bình thì bị chính quyền huyện và Đồn biên phòng tịch thu tất cả giấy tờ tùy thân, giám sát các thành viên trong nhóm. Gặp những tình cảnh trớ trêu như vậy, chúng tôi cũng không nản lòng, rút kinh nghiệm để thực hiện chương trình ngày thêm chu đáo, suôn sẻ hơn”.
Chị Tống Như Quỳnh tâm sự: “Đến với vùng sâu, vùng xa, việc di chuyển rất khó khăn, nguy hiểm. Chuyến đi ấn tượng nhất đối với chúng tôi là chuyến đến huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) vào năm 2018. Cả nhóm gần 60 thành viên, chạy xe máy xuyên đêm từ TPHCM lên địa điểm làm chương trình, nhưng vì trời mưa to, nên đường trơn trượt, lầy lội khó đi, đến hơn 2 giờ sáng cả nhóm vẫn còn lạc trong rừng sâu, vừa ướt, vừa lạnh. Đến nơi, thì đã gần 4 giờ sáng, cả nhóm chỉ kịp dựng lều chợp mắt được khoảng một tiếng, rồi dậy chuẩn bị công việc”.
Nguyễn Thị Trúc Phương cũng chia sẻ: “Tìm kinh phí tổ chức luôn là thử thách lớn nhất. Quỹ từ thiện chủ yếu do bản thân và bạn bè tự kêu gọi, hoặc tổ chức các hoạt động như đêm nhạc từ thiện, buffet chay, bán hàng để gây quỹ, mà không có nhà tài trợ cố định nào. Dù không giàu có về vật chất, nhưng bằng tấm lòng nhân ái và ý thức trách nhiệm với cộng đồng, chúng tôi vẫn sẵn sàng lên đường, tận tình giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên khắp miền đất nước”.