Nhóm Cộng đồng xanh Việt Nam được thành lập năm 2019, gồm 3.000 thành viên, tập hợp các bạn trẻ yêu môi trường trên khắp cả nước, hoạt động với phương châm “Vì một Việt Nam xanh - sạch - đẹp”. Vào mỗi buổi cuối tuần, các bạn trẻ cùng tham gia nhặt rác tại nơi công cộng và dọn dẹp các bãi rác tự phát. Qua đó, phong trào lan tỏa thông điệp sống xanh, giúp thay đổi nhận thức, phát huy trách nhiệm với môi trường nơi mình đang sinh sống.
Sáng 31-5, 1.380 tình nguyện viên ở 40 tỉnh thành trong nước đã đồng loạt hưởng ứng phong trào “Clean Up Việt Nam”, dọn dẹp, nhặt rác thải tại các khu du lịch và những điểm đen ô nhiễm môi trường. Tại TPHCM, 45 tình nguyện viên đã dọn dẹp rác tại khu vực ngã tư quận Thủ Đức, thu gom 60 bao rác thải. Tại Bình Dương, 12 tình nguyện viên tham gia dọn sạch rác thải tại Làng đại học TPHCM, thu gom 30 bao rác. Tại Bình Phước, nhóm đã vận động 870 người dân trên địa bàn huyện Bù Đốp cùng tham gia dọn rác và thu gom tổng cộng 420 bao rác.
Tại Đắk Lắk, 22 tình nguyện viên đã dọn sạch rác thải trên đường quốc lộ - đoạn từ km62 đến trung tâm thị trấn Ea Knốp (huyện EaKar), thu gom 50 bao rác. Tại Hà Tĩnh, 14 tình nguyện viên đã tổ chức nhặt rác ở kênh Cày và Công viên văn hóa thể thao Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà), thu gom 13 bao rác. Tại Thừa Thiên - Huế, 10 tình nguyện viên tham gia dọn rác dọc bãi biển Thuận An, thu gom 10 bao rác...
Chỉ trong một buổi sáng, ở 40 tỉnh thành trên cả nước, các tình nguyện viên đã thu gom tổng cộng 1.050 bao rác, phần lớn là các loại rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt do người dân vứt bừa bãi, không đúng nơi quy định. Rác sau khi thu gom được các tình nguyện viên phân loại và vận chuyển tới bãi tập kết rác của từng địa phương để xử lý theo đúng quy trình.
Chị Nguyễn Ngọc Ánh (ngụ quận 9, TPHCM), Trưởng nhóm Cộng đồng xanh Việt Nam, cho biết: “Qua hoạt động này, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa. Nước ta hiện đang đứng thứ 3 về lượng rác thải nhựa trên toàn thế giới, nếu chúng ta không chung tay hành động thì tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Hiện nay hoạt động của nhóm còn khó khăn vì thiếu các dụng cụ chuyên dụng để dọn rác”.
Chị Huỳnh Thị Quỳnh Thắm, tình nguyện viên tại Đắk Lắk, chia sẻ: “Tôi cảm thấy việc bảo vệ môi trường là rất cần thiết, đây là cách để bảo vệ sự sống cho chính mình. Tất cả những lời nói sẽ đều vô nghĩa nếu như không hành động. Chúng tôi tham gia công việc này nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến với người dân ở từng địa phương”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (cư dân tại đường Hoàng Diệu 2, quận Thủ Đức, TPHCM) cảm kích trước những hành động của nhóm bạn trẻ: “Chỉ trong một buổi sáng, nhiều điểm đen rác thải dưới chân cầu đã được các bạn trẻ dọn dẹp sạch sẽ. Trước vấn nạn môi trường, mỗi người chỉ cần một hành động nhỏ thôi cũng đủ giúp môi trường ngày càng sạch đẹp hơn".