Khách mời Trung ương dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Liết, Vụ trưởng Vụ Địa phương III Ban Tổ chức Trung ương; Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM.
Về phía TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM…
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bệnh nặng giảm, tử vong giảm dần
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, TPHCM đang trong giai đoạn cao điểm thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ. Từ ngày 23-8 đến nay đã tròn 20 ngày, TPHCM tập trung nỗ lực, quyết tâm thực hiện 8 nội dung theo tinh thần thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả, tăng cường giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, tuần đầu tiên sau khi triển khai thực hiện các nội dung trên, các lực lượng của TPHCM và lực lượng tăng cường đồng loạt ra quân trên tinh thần khẩn trương. Trong thời gian rất ngắn, TPHCM đã triển khai nhanh chóng các lực lượng này xuống tới 312 “pháo đài”, để tận dụng thời gian vàng chống dịch.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí đánh giá, giai đoạn đầu TPHCM triển khai ngay các biện pháp y tế đồng bộ. Tuần đầu tiên khởi động nhanh “vượt chướng ngại vật” đã có những kết quả ban đầu. Đến tuần thứ hai là tuần thần tốc, TPHCM vừa phải tăng tốc vừa phải ứng phó với những phát sinh mới trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch. Từ ngày 7-9 đến nay, TPHCM ghi nhận những kết quả ngày càng sáng sủa hơn hai tuần trước qua từng con số thống kê ở 21 quận huyện và TP Thủ Đức.
Cụ thể, từ con số lây nhiễm qua các đợt xét nghiệm thần tốc ở “vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng, vùng xanh” ngày càng thấp dần lại theo đúng theo quy luật. Thứ hai, những ca bệnh nặng ngày càng giảm dần. Có một số quận huyện thông báo bệnh nhân đến từ cộng đồng, các ca tử vong trong cộng đồng cũng đã giảm.
Những con số giảm dù không lớn như kỳ vọng nhưng thể hiện được kết quả ngày càng rõ nét hơn. Trong hai ngày qua, TPHCM ghi nhận số tử vong xuống dưới 200 trường hợp. “Chúng ta chờ đợi những con số này rất lâu rồi”, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ.
Về công tác tiêm vaccine, Bí thư Thành ủy TPHCM thông tin thêm, cứ mỗi ngày số tiêm vaccine càng cao hơn. Có nơi không còn căn cứ vào tỷ lệ tiêm vaccine, mà cố gắng tiêm đến người cuối cùng trên tinh thần chung là tập trung tối đa tiêm. “Vaccine còn thì tập trung tiêm tối đa”, đồng chí nhấn mạnh.
Về an sinh xã hội, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, ngoài những nơi làm tốt công tác này, vẫn còn một số nơi còn sót, người dân phản ánh còn nhiều. Do đó đồng chí yêu cầu các địa phương phải nỗ lực hơn nữa để không bỏ sót ai. Trước áp lực lớn từ công việc, đồng chí đã động viên lực lượng cơ sở. Hiện nay lực lượng quân đội, công an tham gia vào công việc trực tiếp xuống gặp dân, hỗ trợ để người dân yên tâm. Đến giờ này, công việc tương đối ổn định từ sự nỗ lực rất lớn của các lực lượng.
Trước thông tin chung về tình hình hiện nay, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ phấn khởi nhưng cũng đầy lo lắng, TPHCM cần phải nỗ lực hơn trong những ngày sắp tới. Đến nay TPHCM tổ chức 7 đoàn khảo soát ở các địa phương, kết quả báo cáo về có 3 địa phương cơ bản kiểm soát được dịch như ở huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ và quận 7. Nhiều nơi khác cũng có những chuyển biến khá rõ rệt, tích cực.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá, Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM chuẩn bị rất khẩn trương hàng loạt kế hoạch, chiến lược cho giai đoạn bình thường mới sau ngày 15-9 theo như tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ giao TPHCM đến trước ngày 15-9 kiểm soát được dịch Covid-19.
Từ bức tranh tổng thể hiện nay, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị hội nghị góp ý để hoàn thiện, chuẩn bị cho những kịch bản trong những ngày tới.
Hai cơ sở xây dựng kế hoạch, chiến lược
Đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Ban cán sự Đảng UBND TPHCM đã sớm đề xuất, xây dựng dự thảo kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TPHCM từ sau ngày 15-9. Tại hội nghị hôm nay, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để UBND TPHCM hoàn thiện kế hoạch, chiến lược phòng chống dịch và phục hồi kinh tế dài hơi hơn từ nay đến cuối năm 2021, cũng như những năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, sáng nay, Thủ tướng Chính phủ làm việc với 6 tỉnh thành, trong đó Thủ tướng ghi nhận kết quả, chuyển biến tích cực gần đây của TPHCM. Đó là những kết quả trong công tác điều trị, việc phát hiện các ca dương tính giảm dần sau những lần lấy mẫu xét nghiệm.
Những kết quả này, theo đồng chí Phan Văn Mãi nhờ tăng cường y tế cơ sở, củng cố năng lực điều trị ở các tầng, nhờ tăng cường lực lượng quân y ở cơ sở… Thủ tướng Chính phủ đề nghị TPHCM tiếp tục củng cố và phát triển. Trong đó, y tế cơ sở được đánh giá là nguyên nhân giúp cải thiện tình hình hiện nay.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng thông tin thêm, Thủ tướng Chính phủ kết luận, đó là Bộ Y tế sớm ban hành chiến lược tổng thể phòng chống dịch cho cả nước trong thời gian tới. Trên nền chiến lược tổng thể phòng chống dịch này, TPHCM sẽ có căn cứ để phục hồi kinh tế. TPHCM chủ động làm trước tuy nhiên trên cơ sở từ chiến lược tổng thể này. Đồng chí thông tin thêm, TPHCM đã đề nghị và Thủ tướng có chỉ đạo, Chính phủ thành lập tổ công tác về phục hồi kinh tế sau dịch.
Như vậy TPHCM sẽ có 2 cơ sở, một là chiến lược tổng thể của ngành y tế để TPHCM triển khai kế hoạch chiến lược phòng chống dịch. Thứ hai TPHCM có sự trợ lực từ tổ công tác về phục hồi kinh tế sau dịch của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với TPHCM không thể chậm trễ hơn, nên phải chủ động xây dựng dự thảo kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TPHCM từ sau ngày 15-9.
Trong quá trình triển khai, ngoài 4 tổ trực tiếp do các Phó Chủ tịch UBND TPHCM làm tổ trưởng, các giám đốc Sở Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động Thương binh và Xã hội làm thường trực các tổ này. TPHCM sẽ phát huy các đóng góp của các chuyên gia về y tế, kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như đã tổ chức lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn TPHCM. Đồng thời đã lấy ý kiến đợt 1 từ tổ công tác của Chính phủ với các thành viên là lãnh đạo các bộ ngành, lấy ý kiến lần 1 đối với các Ban chỉ đạo phòng chống dịch của 21 quận huyện và TP Thủ Đức.
Tại hội nghị này, Chủ tịch UBND TPHCM mong nhận các ý kiến góp ý đối với dự thảo kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15-9 để có kế hoạch, chiến lược thực hiện sau ngày 15-9.
Về an sinh xã hội, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, cho đến giờ này, TPHCM kết thúc chi hỗ trợ các chính sách trước đây và TPHCM hình thành gói chính sách mới hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch trong 2 tháng 9 và 10-2021. Đồng chí Phan Văn Mãi mong chính sách mới này sớm được thông qua, triển khai càng sớm càng tốt. Đồng thời, Ban cán sự Đảng UBND TPHCM cũng có tờ trình cơ chế để phát huy y tế tư nhân. Trong đó xin ý kiến thí điểm phát huy y tế tư nhân tham gia phòng chống Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình trình bày các tờ trình về kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM sau ngày 15-9. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tại hội nghị, đồng chí Lê Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã trình bày các tờ trình về kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM sau ngày 15-9. Sau khi nghe trình bày tờ trình, các đại biểu tại hội nghị đã đóng góp ý kiến.
Không nên áp dụng nhiều “thẻ xanh, thẻ vàng” Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng, bên cạnh kế hoạch phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, an sinh xã hội… thì cần có thêm kế hoạch về xã hội. Bởi vì, sau đại dịch, vấn đề xã hội rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến người lao động, tình hình dân số, dân cư, nhà ở… Đồng chí tán thành với chủ trương từng bước nới lỏng giãn cách xã hội trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh và đánh giá mức độ an toàn của ngành y tế. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho rằng, cần tập trung, tạo điều kiện cho 3 địa bàn (quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ) tiêm vaccine cho lực lượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kể cả vận tải. Để thuận tiện cho người dân và công tác quản lý, đồng chí cho rằng nên áp dụng một “thẻ xanh” Covid-19 với các cấp độ, không nên áp dụng nhiều thẻ (thẻ xanh, thẻ vàng). Về triển khai gói an sinh, đồng chí Nguyễn Thị Lệ gợi mở, không chỉ thực hiện gói an sinh đợt 3 mang tính trước mắt, mà TPHCM cần phải tính toán chặt chẽ dài hơi đảm bảo an sinh cho người dân; cần thực hiện sớm việc hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, tránh trường hợp “đợi dài cổ mới được hỗ trợ”. Một vấn đề quan trọng được đồng chí Nguyễn Thị Lệ đặt ra là cần quan tâm đầu tư cho tuyến y tế cơ sở, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực cho tuyến cơ sở hoạt động. Đồng thời, TPHCM cần có chiến lược về nguồn nhân lực đối với cán bộ ở cơ sở ở xã, phường, thị trấn. Về kế hoạch phục hồi kinh tế, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị cần có giải pháp thu hút và giữ chân người lao động đã nghỉ việc về quê, trở lại TPHCM. Trong đó, nên ưu tiên tiêm vaccine, hỗ trợ an sinh, chỗ ở… cho người lao động. Cần áp dụng quy định cụ thể về quy chuẩn trong việc xây dựng nhà trọ nhằm đảm bảo khang trang, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn PCCC và các điều kiện cơ bản đối với người ở trọ. TPHCM cũng cần nghiên cứu các chính sách theo thẩm quyền và đề xuất Trung ương có chính sách miễn giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ đối với các chủ nhà trọ, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp; cần quan tâm tiêm vaccine giúp người lao động đảm bảo sức khỏe và thuận tiện đi lại, tăng đối thoại để tháo gỡ các vướng mắc nhằm giữ chân các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). |