Bà Điệp nhìn cháu, đắng lòng kể: “Nó không có cha, mẹ thì mất từ năm lên 6 tuổi. Tôi mải đi mần thuê nuôi hai anh em nó nên không còn thời gian dạy dỗ. Hoàng học không hết lớp 1, tới giờ 26 tuổi rồi cũng không biết đọc chữ. Đi tù về, nó càng tự ti, ít tiếp xúc với ai, chỉ lân la với đám bạn xấu rồi làm bậy thêm vài lần nữa”.
Tham dự nhiều phiên tòa hình sự, tôi thường chú ý đến nhân thân của bị cáo phạm tội nhiều lần. Không phải là tất cả, nhưng có nhiều người trong số ấy đến từ những gia đình khiếm khuyết: cha mẹ không còn, ly tán, cha thất nghiệp cờ bạc, đường học hành sớm đứt đoạn vì mưu sinh, thiếu người kèm cặp thương yêu từ bé…
Biết rằng trong mọi hoàn cảnh, ý chí con người là điều quan trọng nhất, càng khó khăn sẽ càng hun đúc nên ý chí kiên cường vượt qua nghịch cảnh.
Thực tế là xuất phát từ hoàn cảnh ngặt nghèo, rất nhiều người đã trưởng thành và thành công trên đường mưu sinh. Nhưng không phải ai cũng làm được như vậy và điều đó đã thể hiện qua những phiên tòa như trên.
Điều chúng ta làm được, có lẽ là quan tâm hơn đến những mảnh đời cơ cực, lỡ lầm xung quanh mình. Nếu không dang tay nâng đỡ họ, thì ít nhất cũng không nên có ánh mắt hoặc buông lời khinh miệt họ.
Bởi sinh ra trong hoàn cảnh thiệt thòi, cơ hội học hành đã ít hơn người bình thường, vì vậy đôi khi nhận thức đúng - sai cũng có phần hạn chế. Họ mong manh giữa hai bờ phải - trái, mà chỉ cần một ánh nhìn, lời khinh miệt, sẽ dễ dàng đẩy họ về bên bờ sai trái và khi càng lún sâu, càng khó bước ra. Bởi vậy, cần lắm những tấm lòng bao dung và bàn tay nâng đỡ để bớt đi nhiều câu chuyện buồn cho cuộc sống quanh ta.