Theo báo cáo từ nhà tổ chức LS V-League 2021, sau 8 vòng đấu đầu tiên của mùa giải, dù thành tích thi đấu của 2 đội Sài Gòn và TPHCM không được tốt, sân Thống Nhất không phải là nơi có số lượng khán giả thấp nhất. Trung bình, mỗi trận có gần 4.000 người hâm mộ đến sân, kể cả khi thời gian thi đấu rơi vào những ngày giữa tuần.
Đó là một thứ tài sản vô giá của bóng đá TPHCM. Dù còn quá khiêm tốn so với thời hoàng kim của nhiều năm trước, nhưng xét trên nhiều yếu tố khách quan của một đô thị lớn, việc sân Thống Nhất vẫn sáng đèn, khán giả mua vé vào sân xem bóng đá, là một điều đáng khích lệ.
Bóng đá thế giới, dù là trên đỉnh cao của chuyên nghiệp hay nghiệp dư, yếu tố địa phương vẫn luôn đóng vai trò nền tảng. Một câu lạc bộ (CLB) ở đẳng cấp cao nhất, có tính toàn cầu nhất, cũng chỉ có một sân bóng gọi là “sân nhà”, nơi thành phố mình đặt đại bản doanh, và ở đó có những người luôn đứng bên cạnh đội bóng trong mọi hoàn cảnh.
Đội bóng có lượng cổ động viên (CĐV) lớn nhất thế giới là Man.United, khi dịch Covid-19 xảy ra, những khoản tiền và hoạt động cộng đồng do các cầu thủ trực tiếp đóng góp, chủ yếu là dành cho cư dân thành phố Manchester. Trong khi CLB vĩ đại Real Madrid sẵn sàng dành sân vận động Bernabeu để phục vụ công tác cách ly người bệnh của thành phố Madrid. Như vậy, dù lớn hay bé, một đội bóng đều có mối liên hệ bất di bất dịch với địa phương của mình.
Việc người hâm mộ TPHCM vẫn đến sân Thống Nhất xem bóng đá vừa là niềm vui, vừa là lời nhắc nhở với những người có trách nhiệm. Đầu tiên, nó cho thấy một nhu cầu có thật. Bề dày lịch sử của bóng đá TPHCM, tính bằng trăm năm tuổi, tất nhiên luôn tồn tại một nguồn cảm hứng bóng đá trong mỗi cư dân thành phố. Thứ chất liệu đó còn được vun đắp bởi một truyền thống hào hùng, với các danh hiệu của Cảng Sài Gòn, Công an TPHCM hay Hải quan, Sở Công nghiệp trước đây. Như vậy, bất kỳ đội bóng nào được thành lập ở thành phố, cũng sẽ có lợi thế mà nhiều địa phương khác không thể có được. Mà trong bóng đá, truyền thống là cơ sở quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển lâu dài.
Kế đến, việc người hâm mộ đến sân kể cả khi 2 đội bóng đại diện đồng loạt thi đấu không tốt (từ thế là ứng cử viên vô địch, nay tìm cách trụ hạng), cho thấy mối quan tâm lớn nhất của các CĐV không hẳn là kết quả. Trên thực tế, chức vô địch quốc gia đã rời xa bóng đá TPHCM từ năm 2002 đến nay. Phải chờ đợi thêm vài năm nữa, có lẽ cũng không có vấn đề gì. Thế nên, việc vội vã đặt ra mục tiêu phải vô địch trong một thời gian ngắn là điều không cần thiết. Việc CĐV vẫn đến sân, cho thấy họ vẫn muốn được “xem bóng đá”, một thứ bóng đá dành riêng cho họ, những cư dân thành phố vốn ít nhiều còn mang nhiều ký ức về lối chơi bóng ngắn, nhuyễn của Cảng Sài Gòn, hay phong cách nhanh, hiện đại của đội Công an TPHCM, hoặc chất hào hoa của Hải quan hay Sở Công nghiệp.
Đấy chính là điều mà những người có trách nhiệm với bóng đá TPHCM, hay thậm chí là lãnh đạo ngành thể thao của thành phố cần đặt vấn đề ở góc độ vĩ mô trước khi nói đến chuyện tìm lại thời hoàng kim cho làng cầu này. Cách tiếp cận từ thành tích, cố gắng đầu tư lực lượng để vô địch thật nhanh là sai lầm. Hệ thống đào tạo của bóng đá TPHCM vốn không còn chất lượng như trước, nên kể cả khi vô địch sớm, cũng không thể tạo ra tuyến kế thừa nhằm duy trì thành tích theo kiểu của Hà Nội. Trong khi đó, vì mưu cầu thành tích, các CLB phải sử dụng quá nhiều cầu thủ từ các địa phương khác, rồi cũng vì thành tích, phải áp dụng cách chơi bóng quen thuộc của các cầu thủ ấy. Kết quả là thành tích đi xuống mà bản sắc, phong cách chơi bóng thì “một chút Sài Gòn, một chút Nghệ An, một chút đồng bằng Bắc bộ”.
Các CĐV bóng đá hiện nay là những người tinh tường. Họ hoàn toàn có thể thông cảm cho việc chưa thể vô địch, nhưng vẫn có thể chơi bóng đá theo những gì mà họ yêu quý từ trước đến nay. HA.GL hay Nam Định là các đội bóng vốn có truyền thống, rất lâu rồi cũng chưa vô địch, nhưng vẫn thu hút được khán giả chỉ đơn giản là nhờ bản sắc thi đấu.
ĐĂNG LINH