Mới đây, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt quả tang vụ khai thác đá trắng trái phép với quy mô lớn tại khu vực núi Phá Chủng (thuộc xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp). Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ khoảng 800m³ đá trắng các loại, trị giá hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, kiểm tra kho chứa hàng tại điểm mỏ này, phát hiện thêm gần 100m³ đá trắng các loại.
Theo tìm hiểu, mỏ đá trắng này được cấp phép cho Công ty Thành Thủy khai thác từ năm 2009-2017. Thấy mỏ trống, ông Trần Văn Bảy (51 tuổi, trú xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) đã vào khai thác. Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, cho biết, điểm mỏ này từng là điểm nóng về khai thác trái phép, huyện đã kiểm tra, xử phạt nhiều lần.
Ngoài bị khai thác trái phép, đá trắng hiện đang được xuất khẩu thô với giá trị thấp. Theo một số người am hiểu về ngành đá trắng, sau khi nhập đá hộc trắng của Việt Nam, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tinh chế thành bột siêu mịn, thêm vào các loại phụ gia và bán sản phẩm với giá thành gấp rất nhiều lần đá thô.
Số liệu từ Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương tỉnh Nghệ An cho thấy, năm 2020, Nghệ An xuất khẩu 1,246 triệu tấn đá hộc trắng thô và gần 590.000 tấn bột đá trắng siêu mịn. Giá trị thu về từ lượng đá hộc trắng thô chỉ đạt gần 24 triệu USD, trong khi bột đá trắng siêu mịn thu về 47 triệu USD. Nếu như hơn 1,2 triệu tấn đá hộc trắng này được chế biến thành bột đá siêu mịn mới xuất khẩu thì nguồn thu về sẽ được từ 90-100 triệu USD.
Để nguồn tài nguyên quý không bị thất thoát, rất cần các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, đồng thời có quy hoạch trong khai thác, chế biến đá trắng để tài nguyên đá trắng mang lại nguồn thu lớn hơn.