Không còn lo lắng mưa bão
Có dịp trở lại bản Rào Tre, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng chứng kiến trước sự đổi thay đáng kể cả về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Chứt. Nếu như nhiều năm trước, hầu hết những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre nằm vắt vẻo dưới chân núi Cà Đay và bên thượng nguồn dòng sông Ngàn Sâu được lợp bằng mái tranh nứa lụp xụp, rách nát, xiêu vẹo, thì nay, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh, của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), diện mạo ở bản Rào Tre đã “thay da đổi thịt”. Những ngôi nhà ngói mới cao tầng, xây dựng bằng cột bê tông cốt thép hoặc bằng gỗ cao ráo, rộng rãi. Bà con người dân tộc Chứt phần nào vượt qua khó khăn, không còn lo cảnh ở nhà dột, mưa bão, lũ lụt như trước nữa.
Đón chúng tôi trong ngôi nhà mới cao 2 tầng bằng bê tông cốt thép, mái ngói đỏ au, còn thơm mùi sơn vừa được bàn giao, chị Hồ Thị Kiên (30 tuổi, Trưởng bản Rào Tre), phấn khởi: “Gia đình em mới chuyển về ở tại ngôi nhà mới này thôi. Em và bà con dân bản có nằm mơ cũng không nghĩ rằng cuộc đời mình lại có thể có ngày được ở trong ngôi nhà xây cao đẹp như thế này.”
Cạnh đó là ngôi nhà mới, cao 2 tầng vừa được bàn giao của cặp vợ chồng trẻ Hồ Thị Đình Xuân - Võ Quốc Ánh (cùng 25 tuổi). Ánh là người Kinh ở xã Hương Liên, còn Xuân là người Chứt. Chia sẻ với chúng tôi, Xuân phấn khởi: “Ngôi nhà mới này rất khéo, chắc chắn, thoáng mát hơn ngôi nhà cũ nhiều lắm. Giờ có nhà mới rồi càng yên tâm hơn để tập trung sản xuất lúa, ngô, trồng keo và đi rừng nâng cao đời sống kinh tế và nuôi con ăn học nữa thôi”.
Còn Hồ Thị Tình (31 tuổi) cho biết, năm nay dân bản đón tin rất vui là được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ xây dựng những ngôi nhà sàn bằng bê tông cao 2 tầng, vừa chắc chắn, vừa rộng rãi, lại có vị trí trước mặt là sông, phía sau nhà là núi rừng rất thuận tiện cho việc sản xuất và đi làm rừng. Dân bản yên tâm không còn lo gì nữa, ngoài ra nước sạch, đường điện cũng được đưa vào tận từng hộ dân bản, đời sống được đi lên nhiều rồi.
Ngôi nhà sàn mới của gia đình Kiên, Xuân, Tình là 3 trong số 11 ngôi nhà mới vừa được xây dựng, hoàn thành tại khu tái định cư mới của đồng bào dân tộc Chứt ở vùng khe Noong, được thực hiện theo Đề án 2571 phát triển đồng bào dân tộc Chứt (bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đến năm 2020, do kinh phí lồng ghép nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu tái định cư mới của đồng bào dân tộc Chứt ở vùng khe Noong, thiếu tá Nguyễn Văn Thiên, cán bộ Tổ công tác bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng (Đồn 575, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh), cho biết: Hiện bản Rào Tre có 42 hộ dân đồng bào dân tộc Chứt với 146 nhân khẩu. Đến nay, nhà ở của bà con dân bản đã cơ bản ngói hóa kiên cố, khang trang, sạch đẹp và thông thoáng. Ngoài ra, đề án còn xây dựng hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt, bể chứa kết hợp bể lọc được lấy nước từ khe Cố, hệ thống cấp điện, hệ thống đường giao thông nối từ bản Rào Tre cũ đến khu tái định cư dài hơn 2,5km; nhà văn hóa cộng đồng, trường mầm non… với tổng vốn đầu tư 34,454 tỷ đồng.
Đẩy lùi hôn nhân cận huyết
Tình trạng hôn nhân cận huyết (con anh em, con chú bác, con cô cậu, con dì dượng lấy nhau) là một trong những vấn đề nhức nhối nhất của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre. Trước vấn đề “báo động đỏ” này, nhiều năm qua chính quyền các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh và BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, vận động, thuyết phục rất có hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc Chứt dần dần không tái diễn hôn nhân cận huyết. Và sự kiện đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho kết quả này, đó là vào năm 2015, khi lần đầu tiên trong cộng đồng người Chứt ở bản Rào Tre có 2 thiếu nữ là Hồ Thanh Mai, Hồ Thị Mỹ Duyên kết hôn với 2 chàng trai người Kinh là Lê Xuân Công và Nguyễn Đình Nhân.
Trở lại bản Rào Tre lần này, chúng tôi được nghe cán bộ BĐBP Bản Giàng thông báo tin vui, từ hơn 3 năm trở lại đây, tại bản Rào Tre không có trường hợp nào hôn nhân cận huyết trong cộng đồng người dân tộc Chứt. Hồ Thị Kiên (trưởng bản Rào Tre) cho biết, trước đây do tập tục và cuộc sống thiếu ổn định, người Chứt ở bản ít ỏi, hầu hết cùng huyết thống, lại sống tách biệt với cuộc sống bên ngoài nên phải đối mặt với nỗi lo hôn nhân cận huyết. Nhưng nhờ được BĐBP và chính quyền tuyên truyền, vận động, giải thích được những hệ lụy của hôn nhân cận huyết; Nhà nước có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về lấy vợ, lấy chồng ngoài huyết thống (như hỗ trợ 30 triệu đồng, hỗ trợ đất, xây nhà ở tại bản…), nên dân bản dần hiểu ra được và đã bắt đầu có nhận thức không lấy vợ, lấy chồng cùng huyết thống trong bản nữa. Đây là những tiến bộ vượt bậc mà từ trước đến nay ở bản Rào Tre chưa từng có…
Từ cuộc sống du canh, du cư, phải trông chờ vào sự trợ giúp hoàn toàn của Nhà nước và BBĐP, giờ đây người Chứt đã từng bước làm quen với tập quán định canh, định cư, biết cách làm ăn dần đẩy lùi được đói nghèo, lạc hậu. Nhiều hộ đã có ý thức, biết rào vườn để trồng ngô, chuối; làm chuồng để nuôi bò, nuôi heo, gà; biết lên rừng kiếm củi, kiếm gỗ bán; biết xây dựng được mô hình kinh tế tăng gia sản xuất trồng cây ăn quả ngắn ngày, dài ngày; khai thác lâm sản… Con em dân bản đến tuổi đều được cho đến trường học chữ, các hủ tục lạc hậu đã cơ bản được đẩy lùi; 100% số trẻ được tiêm chủng, bà con không còn tin vào thầy mo như trước nữa…
Tháng 7-2013, tại bản Rào Tre, ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (Báo SGGP) phối hợp với BĐBP Hà Tĩnh đã khánh thành và bàn giao Trạm xá quân dân y Rào Tre. Công trình có tổng kinh phí đầu tư hơn 600 triệu đồng, trong đó Công ty Pepsico Việt Nam tài trợ 500 triệu đồng thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Đồn Biên phòng Bản Giàng cùng với địa phương tổ chức ngày công, nguyên vật liệu… với giá trị 105 triệu đồng. Thiếu tá - bác sĩ Nguyễn Nam Giang, Tổ công tác bản Rào Tre cho biết, từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay, Trạm xá quân dân y Rào Tre đã phục vụ khám chữa bệnh cho bà con dân tộc Chứt và người kinh ở xã Hương Liên rất hiệu quả, bình quân có 270 lượt người đến khám, điều trị/tháng. |