Bản quyền chương trình phát sóng chỉ là một thuật ngữ được dùng để chỉ về quyền phát sóng của một đơn vị phát sóng đối với một nội dung nào đó trên chương trình phát sóng của mình. Đây không phải là một thuật ngữ pháp lý.
Bản quyền là cách dùng chung khi nói về quyền tác giả được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ, tuy nhiên trong Luật Sở hữu trí tuệ thì bên cạnh quyền tác giả ra, còn có một quyền khác gọi là quyền liên quan đến quyền tác giả.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, thì quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Như vậy ở đây bản quyền chương trình phát sóng theo đúng thuật ngữ pháp lý sẽ là quyền liên quan đến quyền tác giả của chương trình phát sóng. Và tổ chức được bảo hộ quyền đối với chương trình phát sóng là tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng (Khoản 4 điều 16 Luật Sở hữu trí tuệ).
Pháp luật Việt Nam đã liệt kê rất rõ những hành vi vi phạm quyền của tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng đối với chương trình phát sóng của mình. Theo đó, căn cứ vào Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7 Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi bị xem là hành vi xâm phạm quyền đối với chương trình phát sóng là: chiếm đoạt quyền tổ chức phát sóng; mạo danh tổ chức phát sóng; công bố, sản xuất và phân phối chương trình phát sóng mà không được phép của tổ chức phát sóng; sao chép, trích ghép đối với chương trình phát sóng mà không được phép của tổ chức phát sóng; dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan; cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.
Khi đối chiếu với các hành vi luật định, ta có thể dễ dàng nhận thấy việc phát các trận đấu bóng đá thông qua các chương trình phát sóng lên internet mà không được sự cho phép của chủ sở hữu chương trình phát sóng là hành vi xâm phạm quyền đối với chương trình phát sóng.
Hiện nay, mỗi khi có bất kỳ trận đấu bóng đá hấp dẫn nào diễn ra thì việc lên mạng tìm kiếm các website phát trực tiếp các trận đấu bóng đá, hay thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, hoặc một số kênh mạng xã hội nổi tiếng của Việt Nam để xem trực tiếp các trận đấu bóng đá là một việc khá phổ biến. Thế nhưng thực tế việc chia sẻ, thu lại các chương trình phát sóng và đăng tải lên như vậy chính là hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền của các tổ chức phát sóng và người thực hiện hành vi đó là người vi phạm quyền liên quan đến chương trình phát sóng.
Nếu không nói đến các hệ quả sâu xa của hành vi vi phạm quyền liên quan đến chương trình phát sóng, thì hậu quả trước mắt của việc thực hiện các hành vi nói trên là có thể bị xử phạt hành chính vì hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, căn cứ Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, thì các cá nhân có hành vi xâm phạm đối với chương trình phát sóng có khả năng bị phạt tối thiểu từ 3 triệu đến 100 triệu đồng, và khoản phạt sẽ tăng gấp đôi nếu đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm là tổ chức.