Bản quyền lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: Những khúc mắc chưa hồi kết

Thời gian qua, tại Việt Nam hàng loạt vụ việc liên quan bản quyền được dư luận đặc biệt quan tâm. Không chỉ với lĩnh vực mỹ thuật, âm nhạc, xuất bản mà nay, lùm xùm còn xuất hiện ở việc tổ chức thi hoa hậu và đặc biệt là trên không gian mạng. Bản quyền đang là câu chuyện trầm kha ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (VHNT), nhất là khi văn bản pháp luật về vấn đề này chưa hoàn thiện.
Tác phẩm dự triển lãm do hội nghề nghiệp, bảo tàng hay đơn vị quản lý văn hóa tổ chức, cũng là một cơ sở để phân định cho tác giả trong tình huống có tác phẩm bị sao chép
Tác phẩm dự triển lãm do hội nghề nghiệp, bảo tàng hay đơn vị quản lý văn hóa tổ chức, cũng là một cơ sở để phân định cho tác giả trong tình huống có tác phẩm bị sao chép

Trùng tên, xài chùa

Mấy ngày qua, vụ tranh chấp từ tên gọi 2 cuộc thi trùng tên Hoa hậu Hòa bình Việt Nam giữa Công ty TNHH Quảng cáo Thương mại Sen Vàng (Công ty Sen Vàng) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Khang Việt Nam (Công ty Minh Khang) gây xôn xao dư luận.  Theo đó, Công ty Sen Vàng tổ chức Hoa hậu Hòa bình Việt Nam (Miss Grand Vietnam), Công ty Minh Khang tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam (Miss Peace Vietnam). Điều đáng nói, cả hai đơn vị đều trưng giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả về tên kịch bản cuộc thi và logo Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.

Ngày 7-6, bà Phạm Kim Dung, đại diện Công ty Sen Vàng, cho biết: “Tôi không hiểu vì lý do gì lại có cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam trùng tên như vậy. Chúng tôi có ủy quyền chính thức của tổ chức Miss Grand International (đơn vị quốc tế sáng lập, điều hành cuộc thi) thực hiện độc quyền tại Việt Nam với tên gọi tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Chúng tôi có bản quyền cuộc thi từ Cục Bản quyền tác giả cấp. Tên gọi và logo nằm trong một tổng thể như vậy. Chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại lên Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, chờ họ trả lời”. Luật sư Trương Thị Dạ Thảo, Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, khẳng định: “Công ty Sen Vàng có đầy đủ tính pháp lý để tổ chức cuộc thi mang tên tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Đây là cuộc thi duy nhất nằm trong khuôn khổ Miss Grand International”.

Trước đó, ngày 6-6, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, đại diện Công ty Minh Khang, nói: “Đây là 2 cuộc thi hoàn toàn khác nhau về hình thức, nội dung, kịch bản khi hướng tới các tiêu chí khác nhau. Hiện tồn tại 2 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đều do Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cấp liên quan tới 2 cuộc thi, một cấp cho Công ty Minh Khang ngày 21-3-2022, và một cấp cho Công ty Sen Vàng ngày 8-4-2022. Công ty Minh Khang sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền hợp pháp chính đáng của mình”.

Lùm xùm bản quyền gần đây không chỉ liên quan đến chuyện tổ chức thi hoa hậu, trong lĩnh vực âm nhạc, mà còn “dậy sóng” bởi nhiều vụ vi phạm khi không ít tổ chức, cá nhân nhập nhèm, đánh tráo về bản quyền, quyền “bản ghi” tác phẩm âm nhạc. ACV Entertainment - đơn vị nắm bản quyền ca khúc Ai chung tình được mãi (do Đông Thiên Đức sáng tác) vừa thông báo nhiều ca sĩ như Đan Trường, Lệ Quyên, Tùng Dương biểu diễn bài hát này khi chưa được sự đồng ý. Tháng 4 vừa qua, nhiều nhạc sĩ như Kai Đinh, Hứa Kim Tuyền, Duy Khang (thành viên Ban nhạc Chillies) tố Nam Em “xài chùa” ca khúc của họ. Nhạc sĩ Kai Đinh cho rằng Nam Em dùng ca khúc độc quyền Mình yêu đến đây thôi của anh để biểu diễn mà không xin phép. Sau vụ việc, Nam Em phải xin lỗi và gỡ tác phẩm khỏi YouTube. Những ca sĩ khác, có người thanh minh trên trang cá nhân, cũng có nghệ sĩ im lặng, thiếu sòng phẳng.

“Thiên đường đạo chích”

Với nền tảng trực tuyến, mạng xã hội mở ra cơ hội để nghệ sĩ quảng bá và khai thác thương mại tác phẩm nghệ thuật. Nhưng cũng từ đây mở thêm cánh cửa, để chuyện sao chép hoặc trắng trợn ăn cắp tác phẩm ngang nhiên lộng hành.

Bản quyền lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: Những khúc mắc chưa hồi kết ảnh 1 Tác phẩm dự triển lãm do hội nghề nghiệp, bảo tàng hay đơn vị quản lý văn hóa tổ chức, cũng là một cơ sở để phân định cho tác giả trong tình huống có tác phẩm bị sao chép
Tháng 10-2021, tác giả H.V.C. (bên B) ký hợp đồng hợp tác với T.B. (bên A) về việc khai thác các bài hát do anh sáng tác trên một số nền tảng trực tuyến. Bên A đồng ý cung cấp và cho bên B đồng quản lý tài khoản V.C’s Music trên The Backstage và bên A được quyền sử dụng, khai thác thương mại đối với toàn bộ bản ghi của bên B. Các bên phân chia doanh thu: bên A 30%, bên B 70%. The Backstage là phần mềm quản lý và phân phối âm nhạc trọn gói cho nghệ sĩ và các hãng âm nhạc, cụ thể là phần mềm do Believe Music (một công ty phân phối nhạc toàn cầu) cung cấp. The Backstage phải thể hiện toàn bộ doanh thu trực tiếp và phái sinh từ các bản ghi. Từ tháng 12-2021, bên A bắt đầu kinh doanh các bản ghi của bên B bằng việc phát hành chúng lên các nền tảng âm nhạc thế giới và trong nước. Tuy nhiên, việc phân chia doanh thu lợi nhuận như thỏa thuận vẫn chưa được bên A thực hiện. Sau khi phát hiện có tình trạng không minh bạch trong báo cáo tài chính, tác giả khiếu nại lên công ty và ngày 17-5, công ty này đã đơn phương xóa tài khoản trên The Backstage của bên B. “Tôi có tham vấn qua luật sư, nếu muốn kiện thì phải thực hiện ở Hà Nội, vì trụ sở công ty ở đó, rất mất thời gian cho tôi”, tác giả H.V.C. chia sẻ.

Với câu chuyện bức tranh “Góc khuê phòng” của họa sĩ Đ.Q. (Báo SGGP đăng ngày 7-6), rất khó áp dụng luật một cách cụ thể, dù nhìn qua có thể thấy nội dung bức tranh có sự sao chép từ phân cảnh một bộ phim. “Tôi có dự triển lãm và có xem qua tác phẩm trên, rõ ràng là có sự sao chép, nhưng nếu dùng luật thì gần như rất khó và không thể”, họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, Hội Mỹ thuật TPHCM, bày tỏ. Cần nói thêm, hiện tại, chưa có Luật Mỹ thuật, Nghị định 113 đang được áp dụng và liên tục có sự điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển của mỹ thuật đương đại.

Vụ việc một chuỗi tranh 3 tác phẩm được in từ tranh digital art của họa sĩ Huỳnh Minh Thống (Nhà sáng lập Xôn Xao Studio), treo trong một quán cà phê ở Hà Nội, đến nay vẫn chưa ngã ngũ. “Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa hề bán chuỗi tác phẩm trên, nghĩa là ai đó đã sử dụng bản quyền tranh của tôi trái phép. Chủ quán cà phê không biết tranh treo trong quán chưa có bản quyền vì họ được tặng, và người tặng bộ tranh cho quán cũng không biết đó là tranh ăn cắp”, họa sĩ Huỳnh Minh Thống chia sẻ. Trong giới digital art, chuyện đăng tải tác phẩm lên Behance (mạng xã hội trực tuyến trực thuộc Công ty Adobe; trưng bày các sản phẩm hình ảnh, đồ họa kỹ thuật cũng như cho phép lập tài khoản kết nối người dùng) khá phổ biến, vì thế mà “đạo chích” có thêm nguồn lượm lặt.

Nghệ thuật vốn không có khuôn mẫu nhất định, bởi sáng tạo là không giới hạn. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi tác giả, nhà sưu tập… cần có quy định cụ thể hơn về tác giả, tác phẩm và hình thức xử phạt thích đáng cho những hành vi sao chép, đạo chích.

GS-TS NGUYỄN XUÂN TIÊN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM: 

Người sáng tạo phải có tự trọng

Một bức tranh chưa đăng ký bản quyền tác giả, nhưng có tham gia một triển lãm do Hội Mỹ thuật, bảo tàng hay đơn vị quản lý văn hóa nào đó tổ chức, thì đó cũng là cơ sở để phân định cho họa sĩ. Như mỗi triển lãm được Hội Mỹ thuật TPHCM hay Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức đều có hồ sơ lưu về tác giả và tác phẩm. Tôi tham gia chấm giải nhiều cuộc thi, chỉ cần thấy tác phẩm có nội dung giống 30% tác phẩm khác là chúng tôi loại ngay. Chưa nói đến luật, lòng tự trọng của người làm nghệ thuật không cho phép nghệ sĩ hành xử như vậy. Nếu ý tưởng chỉ đến từ việc sao chép như vậy thì còn gì là giá trị sáng tạo.

Nhạc sĩ NGUYỄN MINH CƯỜNG: 

Xử lý chặt chẽ để hạn chế vi phạm

Rất cần xử lý với những trường hợp cố tình vi phạm bản quyền âm nhạc, vì đó là hành vi sai phạm. Tôi thấy có vài trường hợp hiểu lầm giữa việc ca sĩ biểu diễn trong chương trình thì chương trình hay ca sĩ phải chịu trách nhiệm bản quyền... dẫn đến lùm xùm không đáng có. Điều này cần được làm rõ. Để giảm tối thiểu các hành vi vi phạm bản quyền, theo tôi, cần phổ biến Luật Bản quyền một cách rõ ràng, biện pháp xử lý phải chặt chẽ hơn nữa thì mới hiệu quả.


Một số tình huống đạo, nhái tác phẩm giới sáng tạo thường gặp



- Trace tranh: Được hiểu là vẽ can theo tranh gốc, hoàn toàn không cần đến tư duy hay kỹ thuật, chỉ khác đi ở một số chi tiết nhỏ.

- Mã hóa NFT: Một số họa sĩ vẽ xong tác phẩm thường chụp ảnh lại và chia sẻ lên trang cá nhân. “Đạo chích” nhân cơ hội này, chôm hình ảnh và đúc thành các mã NFT để giao dịch.

- Tác phẩm phái sinh: Pháp luật không đưa ra định nghĩa cụ thể của tác phẩm phái sinh mà chỉ định nghĩa dưới dạng liệt kê. Tại khoản 8 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Người làm tác phẩm phái sinh phải xin phép (nếu tác phẩm chưa được công bố), trả tiền nhuận bút, thù lao… cho chủ sở hữu quyền tác giả gốc.

Tin cùng chuyên mục