Bản quyền là vấn đề nhức nhối lớn nhất của báo chí Việt Nam

(SGGPO).- Hội nghị tham vấn chuyên gia về dự án Luật Báo chí (sửa đổi) đã được Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội chủ trì tổ chức sáng nay, 10-7 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến các quy định về quyền tự do báo chí trong dự thảo Luật. Đây cũng là một trong những quyền công dân đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc hội nghị: “Việc hạn chế quyền tự do báo chí phải được quy định bằng Luật; từ đó đặt ra sự cần thiết phải sửa đổi Luật Báo chí hiện hành để cụ thể hóa tinh thần và các quy định của Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân”. 

Cơ quan chủ quản có trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo nội dung thông tin

Theo PGS, TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ, việc Nhà nước ta không kiểm duyệt báo chí là một điểm sáng trong dự thảo Luật Báo chí, đảm bảo phát huy quyền con người trong hoạt động báo chí ở nước ta. Những vấn đề như trả lời, cải chính trên báo chí, phản hồi thông tin, liên kết trong hoạt động báo chí… cũng đã được quy định cụ thể hơn so với Luật hiện hành. Tuy nhiên, việc công dân có thực hiện được quyền tự do báo chí hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của cơ quan báo chí, đạo đức và năng lực của nhà báo. Tạo điều kiện cho nhà báo về cơ chế chính sách để nhà báo yên tâm thực hiện nhiệm vụ một cách khách quan, vô tư trong giải quyết quyền và lợi ích của người dân là điều cần quan tâm, và nếu có thể thì quy định vào trong Luật. Song Luật lại chưa đề cập cụ thể đến trách nhiệm về thông tin trên báo chí của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí và người được cơ quan chủ quản cử trực tiếp chỉ đạo cơ quan báo chí.

PGS, TS Trần Thị Tâm Đan nêu vấn đề: “Trường hợp sai phạm về nội dung thông tin thì chế tài xử lý những đối tượng này là gì? Hiện nay đang có tình trạng cơ quan chủ quản “thích” cho ra nhiều báo, nhưng lại không chịu tìm đúng, tìm đủ những người có năng lực, phẩm chất đạo đức trong hoạt động báo chí để giúp mình”.

Cùng đề cập đến quyền tự do báo chí, GS, TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ thẳng thắn đề nghị quy định đối tượng được thành lập cơ quan báo chí là “cơ quan và các tổ chức hợp pháp của Việt Nam”, hàm ý bao gồm cả các tổ chức do tư nhân đứng ra thành lập. Dự thảo Luật nên điều chỉnh cả hoạt động của nhà báo nước ngoài.

Loại bỏ “trang tin điện tử tổng hợp”?

Trong khi đó, với tư cách một người nghiên cứu về xu thế truyền thông, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Media JSC nhìn nhận: “Vấn đề bản quyền trong hoạt động báo chí còn hời hợt, thiếu tác dụng thực tế và đây chính là nỗi nhức nhối lớn nhất của báo chí Việt Nam”. Để góp phần khắc phục tình trạng này, ông đưa ra một kiến nghị cụ thể là loại bỏ khái niệm “trang tin điện tử tổng hợp” trong dự Luật. Theo hướng này, chỉ có các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các website có tính chất báo chí, cho dù đó là báo chí điện tử hay chuyên trang điện tử. Ông Lê Quốc Vinh cũng đề xuất bổ sung chức năng bảo vệ bản quyền báo chí vào nội dung quản lý nhà nước về báo chí; bổ sung vai trò trọng tài cho Hội Nhà báo Việt Nam trong các tranh chấp về bản quyền báo chí. Điều này là để gia tăng tính hiệu quả thực thi pháp luật, vi khi bị vi phạm, việc khiếu kiện theo trình tự tố tụng gần như bất khả thi.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 13, dự án Luật Báo chí sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015) và thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3-2016).

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục