Đặt trong Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ vừa được Thủ tướng phê duyệt, TPHCM là trọng tâm, trung tâm và là đầu tàu dẫn dắt, lôi kéo sự phát triển của cả vùng nên Đề án lần này không chỉ quy hoạch cho thành phố mà cho vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Vì vậy, trong từng mục tiêu chiến lược đến các chương trình đột phá, rất cần các luận chứng có tính khả thi để quan trọng là gia tăng thực thi, đảm bảo hiệu quả thực tế trên từng lộ trình và xuyên suốt cả quá trình.
Ví dụ, kịch bản tăng trưởng 8,5%-9% là rất cao, nên phân tích dư địa, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp tăng cao, giảm thâm dụng lao động khi đón đầu cơ hội từ vị thế “đối tác chiến lược toàn diện” với 6 cường quốc để tập trung công nghiệp công nghệ cao như sản xuất chip hay chất bán dẫn nhằm tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của thành phố; hay tập trung các cơ sở lý luận lẫn thực tiễn để sớm hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; hoặc tính toán xác định rõ mục tiêu trọng tâm trên từng ngành, ưu thế trong lĩnh vực và quan trọng là để từ đó tạo ra các giá trị, sản phẩm tương xứng.
Ví dụ, du lịch TPHCM đến năm 2030 phải phấn đấu là “điểm đến” chứ không phải là “điểm trung chuyển” do có nhiều tiềm năng như phát triển loại hình du lịch MICE, hình thành “thành phố sự kiện” đi kèm các thiết chế văn hóa xứng tầm.
Trong 3 vấn đề chủ lực thì liên kết vùng không chỉ thể hiện trên bản đồ mà cốt lõi là kết nối trong chuỗi đào tạo - chuyển giao, kết nối vùng nguyên liệu và thị trường phân phối, tiêu thụ phải chặt chẽ hơn. Ví dụ trong quy hoạch phát triển không gian mới với điểm nhấn sân bay Long Thành, không chỉ của tỉnh Đồng Nai tính về mặt địa phận mà phải thiết lập thành một tổ hợp kết nối, là trung tâm trung chuyển hành khách của khu vực Đông Nam Á trong tương lai (phù hợp quy hoạch 100 triệu lượt khách/năm).
Để vừa tăng kết nối vùng vừa tạo không gian phát triển mới - mở, hạ tầng giao thông là một trụ cột chính. Bên cạnh đường bộ, đường sông, không gian biển (cảng biển, kinh tế hướng biển) cũng là một trụ cột tương lai của thành phố vì nó biểu thị cho tính liên kết vùng và cũng là một cửa ngõ vùng - quốc tế của TPHCM. Cần Giờ là một phép thử cho cân bằng tự nhiên - xã hội, quản trị giữa yêu cầu phát triển và bảo tồn đi tới tương lai. Kể cả với vùng đệm Nhà Bè, thì rừng ngập mặn Cần Giờ có vai trò rất quan trọng trong việc trữ nước, làm chậm tốc độ triều cường đi vào TPHCM, giảm ngập úng đô thị.
Một vấn đề có tính chất sống còn, là biến đổi khí hậu sẽ tác động nặng nề lên môi trường sống, chất lượng sống của người dân thành phố. Do vậy, việc đánh giá môi trường chiến lược không chỉ đề cập chung chung về vấn đề ngập lụt đô thị mà còn cả cảnh báo sụt lún đất tác động lên quy hoạch chung lẫn từng ngành riêng, lượng mưa, mưa lớn, mưa cục bộ trên từng khu vực nào, nhất là các khu đô thị mới, khu công nghiệp…Chắc chắn khi đưa vấn đề đánh giá môi trường chiến lược vào Đề án, chúng ta sẽ phải kết nối sát sườn với các mô hình mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… để có sự bổ khuyết, tận dụng lẫn nhau.
Cuối cùng, về việc thành lập 5 thành phố thuộc TPHCM vào năm 2030, thực tế Đề án chuyển huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM thời kỳ 2021-2030 đã có đủ cơ sở để đề xuất ý tưởng trên (trong đó đề xuất huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh có thể đạt đô thị loại III vào trước năm 2030 và 2 huyện còn lại là Củ Chi và Cần Giờ, có thể đạt tiêu chuẩn loại III vào năm 2030). Do việc đăng ký lên thành phố thuộc thành phố phải đưa vào danh sách Quy hoạch Hệ thống Nông thôn - Đô thị Quốc gia, nên đề xuất nói trên là hoàn toàn khả thi.