Buổi sáng, hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu xét hỏi các bị cáo đại diện cho các đơn vị đã giúp sức, chuyển nhượng, bán nhà, đất công sản cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”). Trước khi bước vào phần xét hỏi, HĐXX đề nghị cách ly bị cáo Phan Văn Anh Vũ.
"Bị cáo chỉ làm theo các văn bản của thành phố"
Trong phần trình bày của mình, bị cáo Nguyễn Công Lang (cựu Giám đốc Công ty quản lý nhà Đà Nẵng) nói, bản thân bị cáo nhận sai và có thực hiện hành vi như trong nội dung cáo trạng nêu.
Bị cáo Lang cho biết thêm, từ năm 2013 bị cáo nghỉ hưu, nhưng từ năm 2006-2013 giữ chức Giám đốc Công ty quản lý nhà Đà Nẵng.
Sau khi trình bày về nhiệm vụ, chức năng của công ty, ông Lang cho biết: “Việc ra chủ trương quyết định chuyển nhượng nhà công sản là Chủ tịch UBND TP, bản thân tôi chỉ có nhiệm vụ khi có đủ thủ tục gồm các văn bản của thành phố, tổ chức kiểm định, công ty căn cứ vào đó tính giá và trình lên Sở Tài chính kiểm tra rồi mói trình lên thành phố phê duyệt. Trong vụ án, bị cáo không chịu sự chỉ đạo của ai, tất cả đều nghĩ hoàn thành công việc chuyên môn của mình”.
Trình bày thêm về quy trình chuyển nhượng, mua nhà công sản, ông nói khi các cá nhân, đơn vị có đơn mua, việc này có thể được cho công ty hoặc gửi thẳng cho thành phố, sau đó công ty kiểm tra, thông qua Sở Xây dựng nếu không vướng quy hoạch sẽ gửi lên thành phố xin ý kiến.
Bị cáo Lang nói trước đây không biết Vũ “nhôm” vì chỉ là cấp dưới, bị cáo cũng khẳng định các dự án ông đều không biết Vũ đứng đằng sau.
Quá trình chuyển mục đích công sản bản thân ông không vì mục đích, động cơ gì, nhưng với Công ty quản lý nhà thì khi có chủ trương ở trên, công ty chỉ là cấp thực hiện để đảm bảo kế hoạch của thành phố.
“Công ty chúng tôi không được hưởng gì hết. Sau khi chuyển nhượng việc thay đổi tên người chuyển nhượng tôi được cơ quan điều tra phân tích nên mới biết là sai”, bị cáo Lang khẳng định.
Nhớ lại những nhà đất từng chuyển nhượng cho Vũ “nhôm”, bị cáo nói: Với nhà đất 158 Bạch Đằng, đây là nhà bố trí cho cán bộ, công nhân viên ở, chủ trương thành phố là phải di dời. Việc nhận chuyển nhượng, bán chỉ định cho công ty của Vũ “nhôm” không qua đấu giá là do thành phố chỉ định. Việc biết trên sai mà vẫn thực hiện là làm theo chỉ đạo.
Đối với nhà đất số 106 Trần Phú, cáo trạng quy kết bị cáo Lang có tham gia trong quá trình chuyển nhượng, việc này bị cáo nói là trách nhiệm của công ty ông, đã trình lên Sở Tài chính và khi được đồng ý mới trình lên thành phố. Việc cho đổi tên cũng được thành phố đồng ý nên công ty mới thực hiện.
“Trong việc thực hiện chuyển nhượng 21 nhà, đất công sản theo bị cáo hiểu là không đúng luật, cáo trạng truy tố mình là đồng phạm là quá nặng, bởi tôi chỉ là cấp dưới, chỉ làm theo các văn bản của ủy ban.” - bị cáo Lang cho hay.
"Cáo trạng truy tố quá nặng, tội không đến mức thế?"
Cùng bị truy tố về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc (cựu Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Đà Nẵng) trình bày trước tòa cho biết, các hành vi mình làm và hành vi trong cáo trạng nêu đã được bị cáo nêu trong đơn giải trình gửi HĐXX, Viện Kiểm sát.
Khi bị tòa truy tiếp về việc cáo trạng truy tố có đúng tội hay không, bị cáo Lộc nói có chỗ đúng, có chỗ chưa đúng, nhưng khi được trình bày thì ông Lộc bị tòa cho dừng do nói “miên man”.
Theo ông Lộc, lô đất 37 Pasteur là hơn 900 m² gồm nhà và kho bãi. Công ty thuê bằng hợp đồng, sử dụng vào mục đích kinh doanh. Chủ trương bán lại nhà đất công sản, ông Lộc khẳng định công ty của ông là đối tượng được mua.
“Đối tượng được mua là đã thuê từ trước. Lúc đầu công ty không có ý định bán cho Vũ, nhưng sau khi thành phố giải quyết cho 2 lô đất đó, nếu công ty thuê 2 nhà, đất thì quyền lợi không được đảm bảo bằng mua, và thuê sẽ không thế chấp được ngân hàng để vay vốn. Việc mua được rồi và sau đó chuyển nhượng cho người khác sẽ được lời là Vũ trả cho công ty hơn 1 tỷ đồng, trong đó có 500 triệu là tài sản trên đất, 550 triệu là tiền di dời, bảo quản tài sản. Bản thân bị cáo không được lợi gì mà chỉ có lợi cho công ty”, bị cáo Lộc cho biết và cũng không biết giá trị tài sản thời điểm đó là bao nhiêu.
Bị cáo Lộc nói, sau mua bán Vũ “nhôm” trực tiếp chuyển tiền mua nhà cho thành phố, tại thời điểm năm 2010 ông Lộc hiểu là được phép. “Nhưng sau khi bị khởi tố, do hiểu biết hạn chế pháp luật, mới biết là không được phép chuyển nhượng. Hành vi của bị cáo là giúp sức cho Vũ mua được nhà số 37 Pasteur, cáo trạng truy tố cũng có tội, nhưng tội không đến mức như thế”, bị cáo Lộc thừa nhận.
Bị cáo Phan Xuân Ít (cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” cho hay, mặc dù biết mình thực hiện hành vi là sai nhưng vẫn phải chấp hành, nếu không làm thì trái với chỉ đạo. Bị cáo nói, động cơ vì hoàn thành chỉ đạo chứ không có mục đích gì khác, bị cáo không được nhận tài sản hay gì khác trong vụ án này. “Khi thực hiện chủ trương mình làm như vậy, mình thấy sai. Tình tiết như thế nào do vụ án lâu quá, hơn nữa tuổi tác cao nên bị cáo không nhớ chi tiết”, bị cáo Ít nói. Trả lời HĐXX về việc tham gia các dự án trong vụ án, ông Ít nói mình không nhớ được mặc dù được đọc bản cáo trạng, nhưng lại khẳng định cáo trạng quy kết hành vi đối với bị cáo là đúng. “Việc bị cáo soạn thảo các phiếu trình, các văn bản để cấp trên phê duyệt chuyển nhượng, thuê… dự án tức là bị cáo đã có tham mưu”, tòa dẫn dắt đến đây thì bị cáo Ít thừa nhận mình có tham mưu. “Cáo trạng truy tố bị cáo như thế là đúng tội. Quá trình điều tra bị cáo không bị thu giữ tài sản, đồ vật”, ông Ít khẳng định. |