Bàn luận các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng

Ngày 28-6, tại TP Đà Nẵng, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) phối hợp Sở Công thương TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu khu vực miền Trung.

Các gian hàng của các tỉnh thành phố. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Các gian hàng của các tỉnh thành phố. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại lễ khai mạc, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá khu vực miền Trung là địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước. Trong thời gian qua, khu vực có sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh.

Về xuất nhập khẩu, năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt hơn 46,7 tỷ USD, giảm hơn 2,4 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 22 tỷ USD, tương đương giá trị năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24,7 tỷ USD, giảm hơn 2 tỷ USD so năm 2022. Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa…

z5581231464839_b5576de3fe80468188a79c0b4267b2db.jpg
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tuy nhiên, vùng cũng đang còn đối mặt với những vấn đề tồn tại như tăng trưởng còn thấp hơn mục tiêu đặt ra, kinh tế biển chưa có tính đột phá, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến…

Ngày 4-5-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.

Theo ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trước tình hình kinh tế trên thế giới còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng. Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại Đà Nẵng là hoạt động hết sức thiết thực.

z5581232648041_ef6d29762164f6933d95f9be44f41945.jpg
Các đại biểu bấm nút khai mạc. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ đưa ra các sáng kiến đóng góp khả thi, có thể ứng dụng nhanh và hiệu quả cho công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của vùng, hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ của vùng tìm được hướng đi thị trường phù hợp, như trao đổi các nội dung phát triển kinh tế biển, hiện đại hóa các hoạt động logistics, hỗ trợ phát triển xuất khẩu hàng hóa; thúc đẩy kinh tế xanh, thương mại điện tử; xúc tiến thương mại qua hệ thống phân phối quốc tế….

Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động thuộc chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” từ ngày 27 đến 30-6 tại TP Đà Nẵng.

Ngoài sự kiện trên, chương trình còn có các hoạt động nổi bật khác như: trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của 16 địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên cùng một số tỉnh; giao thương trực tiếp tại khu vực trưng bày vào chiều ngày 28-6 giữa doanh nghiệp miền Trung và các nhà phân phối lớn…; giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp miền Trung và các nhà phân phối; tổ chức xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Nhật Bản, UAE...

Tin cùng chuyên mục