Đề án xây dựng Bảo tàng Tập kết do ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng Ban Liên lạc HSMN Trung ương chịu trách nhiệm cùng 4 thành viên khác, gồm: bà Nguyễn Thế Thanh, ông Nguyễn Quang Hiệp, ông Phan Đình Nham và ông Huỳnh Văn Thòn.
Theo ông Trương Hòa Bình, trong những năm từ 1954-1975 đã có hơn 32.000 thiếu niên, học sinh từ miền Nam tập kết ra miền Bắc bằng nhiều con đường khác nhau, được sống và học tập trong hệ thống các trường HSMN trú đóng ở nhiều địa phương của miền Bắc. Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng học sinh miền Nam luôn nhận được sự chăm sóc đặc biệt với lý do: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất đất nước”.
Mục đích lớn nhất của Bảo tàng Tập kết là lưu giữ và trưng bày những tư liệu có liên quan đến một sự kiện lịch sử hết sức quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng. Đồng thời, thông qua các tư liệu, hiện vật này góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc và tinh thần vượt khó để trưởng thành, phát triển của con người Việt Nam, trong đó có những người tập kết và HSMN.
Cũng theo ông Trương Hòa Bình, nguồn kinh phí để xây dựng Bảo tàng Tập kết cũng như Tượng đài Tập kết hoàn toàn được xã hội hóa, do Ban Liên lạc HSMN chịu trách nhiệm vận động. Những người thực hiện hy vọng công trình sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2023 đầu năm 2024, vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và những chuyến tàu tập kết đầu tiên từ Nam ra cập bến Sầm Sơn (Thanh Hóa).