Không còn là phong trào
Xúc tiến thương mại là công cụ hữu hiệu và giữ vai trò mở đường cung cấp thông tin, hướng dẫn cách tiếp cận thị trường. Hoạt động này không chỉ kết nối thị trường mà còn kết nối đối tác, bao gồm cả đối tác xuất khẩu. Chính vì thế, theo đánh giá của các DN, hoạt động xúc tiến thương mại là việc làm cần thiết để phát triển thị trường, tăng độ phủ và doanh số bán hàng ở cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Hiện tại, việc xúc tiến thương mại ở Việt Nam đã được thực hiện một cách rộng rãi qua sự kết nối của các hiệp hội, ngành nghề cũng như tự thân DN thực hiện. Đáng chú ý, việc xúc tiến thương mại không phải là một phong trào mà đã mang lại giá trị lâu dài để DN có nền tảng phát triển vững chắc ở một thị trường nào đó.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho rằng có 2 điểm mà DN thực hiện xúc tiến thương mại đang thể hiện. Một là, như mục tiêu, Saigon Co.op muốn có điểm bán ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước, thậm chí là xem xét để vươn ra các thị trường quốc tế. Điểm thứ hai cũng rất quan trọng là đánh giá sau khi xúc tiến thương mại có hiệu quả thực sự hay không.
“Với vai trò là một đơn vị phân phối có trách nhiệm với thị trường, Saigon Co.op không những là cầu nối đưa hàng hóa đến bà con tiêu dùng trong nước mà còn mong muốn đưa hàng Việt vươn ra thị trường quốc tế. Dựa trên thế mạnh là đơn vị hợp tác xã, chúng tôi đã có sự liên kết với mạng lưới hợp tác xã quốc tế để đưa hàng hóa Việt Nam đến những thị trường trọng điểm tương đồng như Nhật Bản, Singapore… và dự kiến sẽ vươn rộng hơn ở các thị trường khác nữa”, ông Đức cho biết.
Mang lại giá trị thiết thực
Theo thống kê từ Saigon Co.op, việc xúc tiến thương mại cho hàng hóa của DN Việt đã được nhà bán lẻ này thực hiện trên diện rộng, qua những hoạt động cụ thể như tổ chức sự kiện, hội chợ, khuyến mãi giảm giá bán hàng trực tiếp… Từ đó, hàng chục ngàn nhãn hàng hóa, trong đó có hơn 90% là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, đã được tiêu thụ thành công qua hệ thống hơn 800 siêu thị của Saigon Co.op.
Đặc biệt, nhà bán lẻ này còn đẩy mạnh việc liên kết để xây dựng các vùng nguyên liệu lớn về nông nghiệp, thông qua việc thiết lập một mô hình gắn kết chuỗi giá trị sản xuất với các DN trong nước. Riêng tại khu vực phía Nam, đến nay đã có hơn 10.000 DN sản xuất, hợp tác xã trở thành đối tác cung cấp hàng hóa thường xuyên cho Saigon Co.op. Đơn cử như ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, Saigon Co.op đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với rất nhiều hợp tác xã, cùng các DN và hộ nông dân tại Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp… Doanh số tiêu thụ bình quân của ngành hàng thực phẩm tươi sống là gần 1.000 tỷ đồng/năm.
Trong thời gian tới, để hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả hơn, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng các đơn vị xúc tiến thương mại, DN, cơ quan thực hiện cần lưu ý là không chú trọng quá về mặt hình thức; kết nối nên có phân loại một cách rõ ràng, phải dựa trên thế mạnh của nhau nhằm tạo nên những nền tảng lâu dài giúp DN phát triển hơn. Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm thực hiện xúc tiến nhiều năm nay, Saigon Co.op khuyến cáo việc kết nối cần mang tính tổng thể giữa các DN Việt Nam nói chung và với các DN ngoại nói riêng để tạo thế mạnh, quy mô rộng hơn.
Thực hiện chung theo chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh thành, từ đầu năm 2019 tới nay, Saigon Co.op đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa tại Lâm Đồng, Long An… Không chỉ thực hiện liên tục các hoạt động xúc tiến thương mại cho hàng Việt tại 44 tỉnh, thành phố nơi có các điểm bán hiện hữu, Saigon Co.op cho biết đang rất tích cực trong việc phát triển hàng hóa đối lưu 2 chiều giữa TPHCM và các tỉnh thành. |