Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ phân khúc cửa hàng chuyên dụng tại Việt Nam đã và đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của các DN bán lẻ trong và ngoài nước. Cụ thể, đối với DN nước ngoài, bên cạnh các DN hiện hữu như Seven Elevent, Circle- K, B’Smart... với hệ thống cửa hàng chuyên dụng mở rộng nhanh, nhiều vị trí đắc địa, gần đây đã có nhiều nhà đầu tư bán lẻ từ Nhật Bản, châu Âu... tới Việt Nam tìm cơ hội đầu tư. Trong khi đó, ở khối bán lẻ nội, ngoài những tên tuổi lớn như Saigon Co.op, Masan, Bách hóa Xanh… thì gần đây cũng có sự tham gia của một số tên tuổi như NovaGroup, San Hà…
Điển hình như chuỗi cửa hàng Co.op Food (thuộc Saigon Co.op), kể từ khi ra mắt mô hình cửa hàng đầu tiên vào năm 2008, tới nay sau 13 năm phát triển đang có trên 500 cửa hàng, phủ khắp toàn quốc. Thế mạnh chủ lực của chuỗi Co.op Food là các mặt hàng thực phẩm tươi sống rất được người tiêu dùng ưa chuộng, gồm các loại thịt cá, rau củ quả, trứng sữa, trái cây và đặc biệt là nhiều set món ăn sơ chế tẩm ướp sẵn, rất tiện lợi như canh chua, canh khoai mỡ, canh măng tươi, khổ qua dồn thịt, cá kho tộ, gà kho gừng, cánh gà chiên nước mắm... Ngoài ra, chuỗi này còn có các loại thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc. Đặc biệt, tất cả hàng hóa tại Co.op Food chủ yếu hơn 90% là hàng Việt, hàng sản xuất trong nước.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, để có thể trụ vững trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, nhà bán lẻ này thay vì tập trung vào các chiến lược tiếp thị đại trà và dịch vụ đại trà, thì đi sâu vào tìm hiểu sở thích, nhu cầu của khách hàng từng vùng miền. Từ đó, Saigon Co.op đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, tăng cường tiện ích dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn. Điều thay đổi quan trọng nữa là trước làn sóng kỹ thuật số, Saigon Co.op đã không còn đứng ở vị thế đặt hàng lên là bán hay chỉ cần mở cửa hàng là khách đông. Vì thế, thời gian qua, nhà bán lẻ này đã chuyển sang trực tuyến hóa - số hóa hoạt động kinh doanh.
Theo tiết lộ của Saigon Co.op, trong năm 2022, Co.op Food sẽ tiếp tục mở rộng quy mô điểm bán ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước; đồng thời nâng cấp các dịch vụ, đa dạng hình thức thanh toán không tiền mặt để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng Việt.
Còn với Masan (sở hữu siêu thị WinMart, cửa hàng WinMart+), DN này chọn mô hình hoạt động kinh doanh tích hợp (tất cả trong một). Mô hình bán lẻ nhu yếu phẩm thuần túy sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế nếu triển khai ở khu vực nông thôn, nơi tập trung phần lớn người tiêu dùng Việt Nam và hình thức cửa hàng nhỏ (minimall) chính là mô hình tối ưu của nhà bán lẻ này khi đem đến cho người tiêu dùng trải nghiệm đa kênh.
Hay với NovaGroup - dù mới lấn sân sang bán lẻ và mới mở 3 cửa hàng Nova Market theo hình thức siêu thị nhỏ bày bán thực phẩm, đồ uống, rau củ tươi sống, song DN đã đặt mục tiêu sẽ mở 300 cửa hàng với nhiều quy mô khác nhau trên cả nước trong năm 2022, nhằm đem đến nhiều sản phẩm tiêu dùng giá rẻ, chất lượng.
Ngoài những tên tuổi bán lẻ trên, phân khúc cửa hàng chuyên dụng còn một số DN sản xuất như Vissan, Ba Huân, San Hà… tham gia và chiếm thị phần nhất định, tạo dựng được sự tin tưởng của khách hàng. Theo các chuyên gia, chính việc nhiều DN nội tham gia vào phân khúc cửa hàng chuyên dụng là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự nỗ lực vươn lên giành và giữ vững thị phần của DN nội.