Theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường, trong năm 2021, cũng như các ngành khác, DN bán lẻ, đặc biệt là DN ở khu vực phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… chịu không ít ảnh hưởng từ đại dịch. Dù vậy, bằng sự nỗ lực đổi mới, sáng tạo, kết thúc năm 2021, ngành bán lẻ vẫn ghi nhận tăng 36% so với cùng kỳ. Những DN bán lẻ hàng Việt đang chiếm thị phần lớn trên thị trường hiện nay phải kể tới như Saigon Co.op, Bách hóa Xanh, Satra, WinCommerce (Masan)…
Thực tế, để có kết quả này, thời gian qua, các DN bán lẻ phải đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ vào vận hành, kinh doanh, dịch vụ giao hàng… để đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của khách. Có thể kể, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã đẩy mạnh bán hàng qua điện thoại, Zalo, app và đối tác thương mại điện tử. Trong năm 2021, nhà bán lẻ này cũng tích cực triển khai các hình thức thanh toán không tiền mặt trên cả 2 kênh mua sắm trực tuyến và trực tiếp.
“Xu hướng các đợt dịch 2 năm qua đã khiến điện toán hóa, số hóa tăng lên, qua đó hoạt động kinh doanh phân phối cũng tập trung nhiều hơn đến hình thức phân phối online. Cùng với đó, các giao dịch, phương thức thanh toán cũng thay đổi, các DN bán lẻ nói chung và Saigon Co.op nói riêng chuẩn bị khá tốt cho việc thanh toán không tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc để hạn chế tối đa việc tiếp xúc”, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ.
Theo đánh giá của các công ty phân tích thị trường, trong năm 2022, nếu không có đợt giãn cách xã hội nào lớn xảy ra thì thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục phục hồi trở lại, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, hàng thời trang, công nghệ. Trong bối cảnh đó, các DN bán lẻ cho biết chủ động chuẩn bị nhiều kế hoạch để sống chung với biến động và tăng tốc phục hồi. Chẳng hạn Masan đã ra mắt cửa hàng đa tiện ích Fresh & Chill M-Plaza tại quận 1 (TPHCM). Đặt tại khu phức hợp gồm văn phòng hạng A, căn hộ dịch vụ, khu ăn uống và bán lẻ sầm uất bậc nhất tại trung tâm quận 1, cửa hàng thu hút sự chú ý của người dân với sản phẩm và dịch vụ đa dạng, đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Trong khi đó, Saigon Co.op với 10 mô hình bán lẻ từ cửa hàng thực phẩm tới siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại khẳng định, sẽ tiếp tục phát triển các kênh phân phối tiên tiến với tiêu thụ hàng Việt, đảm bảo phù hợp xu hướng phát triển của thế giới như: online, e-commerce, thanh toán không tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc. Thay vì phát triển cửa hàng vật lý, Saigon Co.op tập trung cải tiến, hoàn thiện kênh bán hàng online và hệ thống chuỗi cung ứng.
“Gần đây. Saigon Co.op đang phối hợp với các đơn vị bạn để mượn sàn giao dịch tạo điểm giao dịch chung, một sàn phân phối mặt hàng đến với bà con tại các kênh phân phối đó. Ví dụ như nhiều đơn vị kinh doanh khá tốt trên sàn phân phối này nhưng không có hàng thực phẩm, hàng thiết yếu thì Saigon Co.op sẽ cung ứng để hàng hóa đến tay người tiêu dùng”, ông Đức cho biết thêm.
Hay với Kido, dù mới bước chân vào thị trường bán lẻ cũng liên tục bắt tay với các đơn vị bán lẻ khác để đa dạng điểm bán cho khách hàng. Cuối năm ngoái, Kido đã ký kết hợp tác với Tập đoàn bán lẻ Central Retail Việt Nam để đưa chuỗi F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống) Chuk Chuk vào chuỗi trung tâm thương mại GO!, Big C và Tops Market, mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm dịch vụ và sản phẩm mới. Theo kế hoạch, năm nay Chuk Chuk sẽ được nhân rộng và có mặt tại tất cả trung tâm thương mại của Central Retail tại Việt Nam.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ đạt quy mô gần 350 tỷ USD vào năm 2025, gấp 1,6 lần hiện tại; trong đó kênh bán lẻ hiện đại sẽ chiếm 50%. Do đó, đây chính là miếng bánh béo bở mà cả DN nội lẫn DN ngoại không dễ bỏ qua. |