Ba thay đổi lớn của thị trường bán lẻ
Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện có 3 sự thay đổi chính. Thứ nhất là thị trường bán lẻ truyền thống (gồm các nhà sản xuất, nhà phân phối, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống) chiếm tới 90%; trong khi đó, thị trường bán lẻ hiện đại (gồm siêu thị, trung tâm thương mại, đại siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện lợi) chỉ xuất hiện trong những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ và hiện nay đạt con số từ 25-28%.
Thứ hai, đó là sự biến động của bản thân của doanh nghiệp. Đối với những “tay chơi” trên thị trường - kể cả các nhà bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đã có nhiều biến động “đổi chủ đổi ngôi” và hầu hết nhà bán lẻ tham gia vào thị trường Việt Nam trong khoảng thời gian 10 năm về trước, đến nay đều không còn hiện diện.
Thứ ba đó là sự thay đổi theo xu hướng phát triển của công nghệ và các ngành công nghiệp khác. Chẳng hạn là xu hướng thanh toán không tiếp xúc và thanh toán không tiền mặt đang tác động, làm thay đổi sâu sắc ngành bán lẻ Việt.
Trong báo cáo “Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn 2021-2030” của Bộ Công thương vừa công bố mới đây đã cho thấy, bên cạnh những thuận lợi về tốc độ tăng trưởng cao (trung bình 11,5%/năm) cùng cơ cấu dân số trẻ, thì ngành bán lẻ Việt cũng đang phải đối mặt với thách thức về thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Theo đó, trong nhịp sống ngày càng bận rộn, khả năng kết nối ngày càng tăng của các thiết bị di động đang đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Đây vừa là cơ hội, đồng thời là thách thức với các nhà bán lẻ Việt Nam.
Là nhà bán lẻ mang dáng dấp hợp tác xã, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ rằng, trước xu thế mới này, Saigon Co.op cũng không thể đứng ngoài “cuộc chơi”. Saigon Co.op đã và đang chuyển mình thông qua việc tập trung vào khách hàng dựa trên dữ liệu số.
Áp lực bên ngoài và động lực bên trong
Có thể nói động lực mới của Saigon Co.op vừa đến từ áp lực bên ngoài, vừa xuất phát từ lực đẩy bên trong. Trong đó, động lực bên trong chính là việc Saigon Co.op xuất phát từ một đơn vị đậm chất truyền thống và là đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Saigon Co.op đã tận dụng chính yếu tố này để tổ chức kinh tế hợp tác xã kiểu mới theo nguyên tắc sở hữu tập thể, tự chủ hoạt động sản xuất kinh doanh. “Hiện Saigon Co.op đang xây dựng mô hình hợp tác với 9 thành viên. Chính giá trị nội tại đó đã giúp Saigon Co.op hấp thụ những giá trị tích cực để tạo nên lực đẩy thay đổi”, ông Nguyễn Anh Đức nhận định.
Về động lực từ bên ngoài, theo ông Nguyễn Anh Đức, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có mức độ phát triển rất thấp so với các nước khác. Do đó, sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp FDI vào thị trường đã tạo ra động lực phát triển cho các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, trong thời kỳ hội nhập nhu cầu của khách hàng ngày một cao hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn. Điều này cũng tạo ra sức ép đối với các nhà bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Với tư cách là một đơn vị thuần Việt, Saigon Co.op phải đối mặt với những thách thức lớn trực diện hơn và đơn vị đã có những thay đổi để thích ứng.
Đầu tiên là sự thay đổi về chiến lược tiếp thị và dịch vụ. Thay vì tập trung vào các chiến lược tiếp thị đại trà và dịch vụ đại trà, thì doanh nghiệp này đi sâu vào tìm hiểu sở thích, nhu cầu của khách hàng từng vùng miền. Từ đó, Saigon Co.op đa dạng hóa mô hình kinh doanh, chủng loại sản phẩm, tăng cường tiện ích dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn. Điều thay đổi thứ hai là trước làn sóng kỹ thuật số, Saigon Co.op đã không còn đứng ở vị thế “đặt hàng lên là bán” hay “chỉ cần mở cửa hàng là khách đông”. Vì thế, thời gian qua, nhà bán lẻ này đã chuyển sang trực tuyến hóa - số hóa hoạt động kinh doanh. Khi chuyển từ doanh kinh doanh trực tiếp sang trực tuyến, Saigon Co.op đã tận dụng những điểm giao thoa giữa 2 hình thức này.
Nói cách khác, nhà bán lẻ này đã đưa ra chiến lược nhằm “đưa trực tuyến đến gần hơn với trực tiếp” và “đưa trực tiếp đến gần với trực tuyến”. Cụ thể tại Saigon Co.op, khi khách hàng trải nghiệm mua sắm ở những cửa hàng vật lý sẽ có cơ hội tận hưởng những giá trị cộng thêm từ các cửa hàng trực tuyến và ngược lại. Cuối cùng, văn hóa của Saigon Co.op là văn hóa tiết kiệm. Điều này xuất phát từ bản thân của doanh nghiệp vốn là một đơn vị truyền thống có mô hình hợp tác xã. Nhờ sự chắt chiu tiết kiệm cũng như các chiến lược kinh doanh hợp lý, Saigon Co.op đã tạo dựng được cho mình vị thế như hiện tại - làm nền tảng cho hành trình phát triển bền vững trong tương lai.
Chính vì thế mà tới nay, mô hình kinh doanh hợp tác xã tưởng chừng như rất xưa cũ nhưng Saigon Co.op là minh chứng cho thấy rằng mô hình này vẫn tồn tại và phát triển. Saigon Co.op đã có bước phát triển dài suốt 33 năm qua và đến nay doanh nghiệp vẫn giữ được vị thế là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.