Năm 2022, thị trường bán lẻ Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài cũng như chuyển dịch trong cơ cấu bán lẻ từ truyền thống sang hiện đại. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư góp vốn, mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước diễn ra liên tục sẽ làm thay đổi cấu trúc và cục diện của ngành bán lẻ. Ngoài ra, tâm lý và xu hướng tiêu dùng thay đổi; tính trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường trở thành xu thế của thời đại, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và gây dựng niềm tin của khách hàng.
Trong bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt thì lựa chọn duy nhất của doanh nghiệp là phải chuyển đổi số, ứng dụng điện toán hóa vào hoạt động nếu không muốn bị lạc hậu và rớt lại phía sau. Đây cũng là bước đi mà Saigon Co.op sẽ thực hiện trong năm 2022. Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh, xây dựng Đảng năm 2021 và đề ra định hướng hoạt động năm 2022 của Saigon Co.op hồi cuối tháng 3, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, khẳng định rằng, năm 2022 Saigon Co.op sẽ chuyển đổi mạnh mẽ hơn để phát huy vai trò của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Theo đó, Saigon Co.op xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là: tập trung số hóa - điện toán hóa, tinh chuyển, chấn chỉnh các hoạt động; tập trung đầu tư kho bãi - logistics, chú trọng thương mại điện tử... mục tiêu phấn đấu doanh số tăng trưởng 4,5% so với năm 2021.
“Saigon Co.op có khoảng 2.000 nhà cung cấp, trong đó có những nhà cung cấp mang tính chất nhỏ lẻ, HTX, nông dân còn hạn chế trong việc ứng dụng số hóa. Tuy vậy chúng tôi cũng có nhiều đối tác là tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vốn có thế mạnh trong ứng dụng kinh tế số vào mọi hoạt động. Chính sự khác biệt giữa các đối tác này dẫn đến việc điện toán hóa, số hóa và kể cả ứng dụng thương mại điện tử của Saigon Co.op phải thực hiện theo cách riêng của mình để tạo khác biệt”, ông Đức cho biết.
Trước đó, trong năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát, với sự chỉ đạo quyết liệt và động viên từ lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM, Saigon Co.op đã tổ chức triển khai nhiều kịch bản ứng phó, các giải pháp đồng bộ, xuyên suốt nhằm duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh theo chủ trương đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu, đúng với bản chất nhân văn của hợp tác xã “Mỗi người vì mọi người - Mọi người vì mỗi người”.
Nhờ sự chủ động, đoàn kết và nỗ lực của tập thể lãnh đạo cùng 18.000 nhân viên, kết thúc năm 2021, doanh số của Saigon Co.op đạt 30.671 tỷ đồng (giảm nhẹ so với năm 2020). Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác phát triển mạng lưới cũng bị ảnh hưởng nặng nề, chỉ phát triển thêm được gần 40 điểm bán mới gồm Co.opmart, Co.opFood, Co.opSmile, Cheers và Finelife. Tuy vậy, điểm sáng đáng chú ý là doanh số các kênh online như App SGC, Co.op Online, App liên kết tăng trưởng tốt trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh, cao hơn 5 lần so với trước giãn cách. Đây là nỗ lực rất lớn trong giai đoạn giãn cách xã hội, việc vận chuyển, điều phối hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2022, Saigon Co.op phấn đấu tăng doanh số từ 5%-7% so cùng kỳ; mở mới 3-5 trung tâm thương mại, đại siêu thị trên cơ sở cân nhắc kỹ thời điểm khai trương và hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, hệ thống cũng dự kiến mở 80-100 điểm bán lẻ nhỏ và kiên quyết đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình các điểm bán không hiệu quả.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, kỳ vọng năm 2022, Saigon Co.op sẽ đoàn kết, quyết tâm hơn nữa trong mọi hoạt động, thích ứng nhanh với tình hình mới của thị trường bán lẻ, phát huy vai trò nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Để làm được, Saigon Co.op phải chuyển đổi số bởi nếu không chuyển đổi số, không thay đổi trong quản lý, tổ chức thì nhà bán lẻ sẽ mất lợi thế rất lớn. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cần tối ưu hóa, chủ động được nguồn cung, giảm chi phí... và phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của tập thể cán bộ, công nhân viên. |