Bán lẻ hiện đại nhanh chân
Trong thời gian qua, tại Mỹ, hàng loạt tên tuổi lớn như Walmart, Target, Michael Kors, Best Buy,... đều đóng bớt cửa hàng và tăng cường mảng kinh doanh trực tuyến. Còn ở Việt Nam, tình trạng đóng cửa vì sự cạnh tranh gay gắt của thương mại điện tử (TMĐT) chưa có con số báo cáo nào thể hiện, nhưng sự cạnh tranh của loại hình này rất rõ tại các ngành hàng bán lẻ.
Ông Lê Hữu Tình, Giám đốc Marketing Emart Việt Nam, đánh giá các “ông lớn” trong ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam như Mega Market, Big C, Aeon Mall, Family Mart, 7-Eleven, Lotte Mart, Emart, SG25, Satra, Saigon Co.op… hiện đã phát triển mạnh kênh mua sắm online và hệ thống này đang được đầu tư bài bản. Cụ thể, Saigon Co.op cũng đã sớm có kênh bán hàng HTV Co.op vận hành song song với kênh bán hàng online trên website, qua điện thoại…Trong chiến lược hoạt động của năm 2019 này, nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam Saigon Co.op vẫn sẽ chú trọng vào kênh bán trực tuyến nhằm đưa siêu thị đến tận tay khách hàng, mang đến những trải nghiệm mua sắm thú vị cho người tiêu dùng Việt.
Tiệm tạp hóa cũng số hóa
Theo số liệu từ Sở Công thương TPHCM cung cấp, thành phố hiện có 239 chợ, gồm 3 chợ đầu mối, 14 chợ loại 1, 52 chợ loại 2, 170 chợ loại 3 và chợ tạm; trong đó có những ngôi chợ tồn tại hàng trăm năm với khả năng buôn bán tưởng chừng như “một mình một chợ” (độc quyền).
Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay nhiều ngôi chợ đang phải thay đổi hướng tiếp cận khách hàng vì sự phát triển mạnh của loại hình TMĐT. Như chợ Bình Tây vốn là địa chỉ mua bán sỉ lớn nhất miền Nam, nhưng như chia sẻ của tiểu thương kinh doanh tại chợ này, sức mua đã sụt giảm nhiều trong những năm gần đây.
Vậy nên, theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, trước sức ép mạnh mẽ của TMĐT, mạng lưới chợ đã từng bước được sắp xếp, phân bố phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân ở từng khu vực. Đặc biệt, chợ bán buôn chuyên ngành và 3 chợ đầu mối đã hoàn tất xây dựng, đưa vào sử dụng, khai thác đầy đủ hạng mục hạ tầng, phát huy hiệu quả, làm đầu mối tập hợp và phân bổ luồng hàng, điều phối nguồn hàng, ổn định giá cả thị trường, định hướng sản xuất theo hướng văn minh, an toàn, hiệu quả.
Để giúp chợ truyền thống tồn tại, Sở Công thương đã triển khai thực hiện sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh, thành bạn đang phân phối tại 3 chợ đầu mối; đồng thời đảm bảo việc tiến tới truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm. Chương trình đã nhận được sự đồng thuận và tích cực phối hợp của ngành công thương các địa phương như Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… nên được triển khai thuận lợi. Kết quả đến nay, các mặt hàng củ cải trắng, củ cải đỏ, cải sú, cải sậy, cải thảo… đã được sơ chế, đóng gói trước khi vào chợ đầu mối. Sau đó, phân phối hàng về các chợ truyền thống để đảm bảo cho người tiêu dùng mua sắm được thực phẩm chất lượng, sạch.
Ngoài các chợ đầu mối, ở những chợ bán lẻ, hoạt động kinh doanh cũng được sắp xếp lại phù hợp, khoa học hơn. Chẳng hạn, chợ Võ Thành Trang (quận Tân Bình) đã đầu tư cải tạo sạch sẽ và niêm yết giá đầy đủ. Một tiểu thương kinh doanh thịt heo ở đây cho hay, từ khi sạp được làm mới và tiểu thương cam kết bán thịt có truy xuất nguồn gốc, sức mua đối với mặt hàng này đã tăng trở lại.
Bên cạnh việc nâng cấp quầy sạp, nhà lồng chợ, khai thông hệ thống nước thải, cam kết bán hàng chất lượng và bán đúng giá niêm yết để tồn tại, nhiều chợ truyền thống ở TPHCM còn tổ chức kênh bán hàng online. Theo Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), hơn 500 tiểu thương kinh doanh ngành hàng quần áo và nguyên phụ liệu thời trang ở chợ hiện đều mở kênh bán hàng online.
Bà Nguyễn Thị Châu, chủ sạp Châu Thể (chợ Phạm Văn Hai), cho biết so với các mặt hàng thiết yếu khác thì sức mua quần áo hiện không còn được như mấy năm trước. Từ sau tết tới nay, việc buôn bán chậm hơn rất nhiều nên sạp không dám lấy nhiều hàng và hiện đang phải đẩy mạnh “chào mẫu” hàng qua mạng xã hội Zalo. Bà Châu cho hay, việc bán qua Zalo đã giúp sạp thường xuyên cập nhật được các mẫu mới nhất, nhanh nhất đến khách hàng và nhờ đó giúp doanh thu không bị sụt giảm.
Tương tự, chợ Tân Bình (quận Tân Bình) vốn là trung tâm bán sỉ và lẻ quần áo lớn nhất nước, hiện nay gần 5.000 tiểu thương kinh doanh quần áo đều lập trang web bán hàng trực tuyến và hình thức giao dịch này đang phát triển rất mạnh. Thông qua internet, khách hàng mua sỉ ở miền Tây Nam bộ, Campuchia và một số nước ở châu Phi đặt hàng qua mạng, hàng được giao bằng container và thanh toán qua ngân hàng.
Từ đó cho thấy, người kinh doanh dù có quy mô thế nào cũng đang nỗ lực để thích ứng với xu thế kinh doanh mới.