Bán lẻ thích ứng làn sóng số hóa

Năm 2024 được dự báo tiếp tục là năm có nhiều khó khăn với ngành bán lẻ khi người tiêu dùng (NTD) vẫn thắt chặt chi tiêu. Cùng với đó là làn sóng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã và đang buộc các nhà bán lẻ phải thay đổi để thích ứng.

Ngành bán lẻ trong quý 1-2024 tăng trưởng không như kỳ vọng
Ngành bán lẻ trong quý 1-2024 tăng trưởng không như kỳ vọng

Nhiều thách thức cho bán lẻ

Theo Tổng cục thống kê, trong quý 1-2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có dấu hiệu tăng chậm khi chỉ tăng khoảng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 13,9%). Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, sau dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân trở lại trạng thái bình thường nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 chỉ tăng 0,5% so với tháng trước, kéo theo doanh thu bán lẻ của quý 1 chậm lại. Nhận định về thị trường bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết, năm 2024, nền kinh tế thế giới được nhận định sẽ chưa thể phục hồi, kinh tế thế giới lẫn Việt Nam còn nhiều khó khăn, bán lẻ cũng không nằm ngoài diễn biến chung đó.

Trong một khảo sát đã được Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố hồi đầu tháng 3, có hơn 40% NTD cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm mua sắm, 30% NTD cho biết không thay đổi mức mua sắm so với năm 2023. Điều này cho thấy, ít nhất 6 tháng đầu năm 2024 vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp về bài toán trong việc thâm nhập, chinh phục NTD, mở rộng thị trường.

Một điểm đáng lưu ý, theo Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, bên cạnh việc tiết kiệm trong chi tiêu, NTD còn coi trọng các yếu tố chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, đặc biệt là những sản phẩm tốt cho sức khỏe. “Có 69% NTD chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe hoặc đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng. 45% NTD chọn sản phẩm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất hữu cơ (có chứng nhận organic) có tỷ lệ NTD chọn mua là 25%”, ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách chương trình khảo sát bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024, cho biết.

Số hóa để thích ứng

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ đã, đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Theo đó, các kênh GT (phân phối truyền thống) của những nhà bán lẻ hàng đầu như Saigon Co.op cũng thích ứng linh hoạt các phương thức bán hàng mới, ngày càng chuyên nghiệp như cho phép đặt hàng qua Zalo, thanh toán (không dùng tiền mặt) qua ví điện tử hay chuyển khoản qua ngân hàng…

Không chỉ vậy, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa cũng là mối quan tâm và được doanh nghiệp bán lẻ đặt lên hàng đầu khi tích cực bắt tay cùng nhà cung cấp trên cả nước để mang tới nguồn cung hàng hóa chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về xanh, sạch của NTD. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán lẻ cũng áp dụng theo hình thức bán hàng đa kênh, tích hợp mua sắm với giải trí và giáo dục, bán lẻ dịch vụ và nhượng quyền. Trong đó, nhiều nhà bán lẻ đã thích ứng và khai thác tốt nhu cầu mua sắm kết hợp giải trí của NTD qua các hình thức livestream bán hàng. Điển hình như Saigon Co.op trong tháng 1-2024 đã chính thức triển khai livestream bán hàng trên kênh TikTok; triển khai công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) hay còn gọi “livestream bán hàng bằng người ảo” để tối ưu hóa chi phí, giảm giá thành sản phẩm, hỗ trợ NTD mua sắm gần như suốt 24 tiếng trong ngày. Theo ông Lê Văn Tòng, Trưởng ban kinh doanh trực tuyến Saigon Co.op, triển khai livestream bằng AI là bước đột phá trong hành trình số hóa của Saigon Co.op với hy vọng sẽ mang đến trải nghiệm tiện lợi, tiết kiệm thời gian hơn cho NTD.

Cùng với giải pháp trên, ông Nguyễn Anh Đức cho biết, khách hàng ngày nay trông chờ nhiều thứ hơn là giá trị, chất lượng hàng hóa họ nhận được khi mua sắm. Lợi thế của doanh nghiệp bán lẻ nội địa là có được lượng khách hàng thành viên lớn, lâu năm; từ lợi thế này, doanh nghiệp cần cung cấp cho khách hàng nhiều tiện ích, quyền lợi hơn. Ở đây cần sự chung sức, mở lòng hơn giữa các doanh nghiệp nội địa nhiều ngành nghề.

Theo ông Đức, thực tế hiện nay, bộ phận marketing của các doanh nghiệp bán lẻ nội đang tối ưu hóa các giá trị và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác để tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp, tăng giá trị tiện ích cho khách hàng. Chẳng hạn như Saigon Co.op từ tháng 3-2024 đã triển khai chương trình sổ giá cho khách hàng thành viên. Theo đó, mỗi cấp độ khách hàng thành viên sẽ được mua hàng khuyến mãi với mức giảm giá khác nhau, thành viên cấp độ càng cao càng được ưu đãi nhiều hơn.

Thông qua những bước chuyển mình số hóa này, các doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng phần nào đáp ứng được xu thế hiện nay của thị trường, từ đó thúc đẩy tăng doanh thu, giúp ngành bán lẻ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Tin cùng chuyên mục