Bán lẻ tăng tốc, thêm cơ hội cho hàng Việt

Thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục chứng tỏ “sức nóng” khi các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này liên tục mở mới điểm bán những ngày qua, đem tới cơ hội cho cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa.

Chú trọng sự tiện lợi

Thị trường bán lẻ từ đầu năm đến nay đón nhiều tin vui với sự ra mắt của nhiều cửa hàng mới từ các tên tuổi quen thuộc và uy tín như Saigon Co.op, Winmart, Aeon, Vincom… với điểm chung là chú trọng vào sự tiện lợi của người tiêu dùng.

Điển hình như cuối tháng 7-2024, Co.op Smile - mô hình cửa hàng bách hóa hiện đại trực thuộc hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã liên tiếp đưa vào hoạt động 6 cửa hàng Co.op Smile tại quận 6, TP Thủ Đức và quận 12 (TPHCM). Việc đồng loạt mở mới 6 cửa hàng này đã nâng tổng số điểm bán của Co.op Smile lên 108 cửa hàng. Ngoài hệ thống cửa hàng hiện hữu, Co.op Smile cũng lên kế hoạch mở thêm hàng chục cửa hàng, dự kiến từ nay đến cuối năm 2024 sẽ đạt 140 cửa hàng.

XHH 7A.jpg
Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng Co.op Smile ở TPHCM

Theo nhà bán lẻ Saigon Co.op, điểm nhấn đặc biệt của Co.op Smile là kế thừa những sản phẩm đặc thù của tạp hóa truyền thống gồm: sản phẩm công nghệ, hóa phẩm và đồ dùng… phát huy thế mạnh là hàng Việt xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá phải chăng. Đồng thời, các cửa hàng này còn có dịch vụ cộng thêm gồm thanh toán tiền điện, nước, điện thoại… tạo tiện lợi tối ưu cho bà con tại các tuyến hẻm, khu phố có hệ thống Co.op Smile trú đóng. Nhờ tiêu chí chất lượng, uy tín, tiện lợi và kết nối cộng đồng đã và đang đưa chuỗi cửa hàng Co.op Smile trở thành nơi mua sắm tiện lợi của người dân thành phố hơn 7 năm qua.

Đáng chú ý, hệ thống Co.op Smile đi đầu trong công tác phát triển mạng lưới năm nay của các mô hình bán lẻ Saigon Co.op. Theo kế hoạch, tiếp nối sẽ là hệ thống siêu thị Co.opmart và đại siêu thị Co.opXtra khi dự kiến sẽ đi vào hoạt động các điểm bán trong năm nay nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt tổng số 900 điểm bán của Saigon Co.op.

Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam với 100 triệu dân là hấp dẫn cho lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ, dẫn đến làn sóng đầu tư vào thị trường này tiếp tục “nóng” thời gian qua. Tuy nhiên, thị trường này cũng có sự cạnh tranh rất gay gắt bởi có nhiều DN tham gia, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên sự thuận tiện khi mua hàng cũng như tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và tìm kiếm giá trị mới của sản phẩm.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhận xét, DN bán lẻ đang phải cạnh tranh gay gắt để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân đến mua sắm tại các kênh hiện đại. Theo đó, những mô hình chuyên doanh, xác định theo nhu cầu riêng biệt có tốc độ tăng trưởng cao.

“Những mô hình mang đến tiện lợi cao hơn cho khách hàng có sự tăng trưởng rất phù hợp. Bên cạnh đó, có những sản phẩm hiện tăng rất cao, đặc biệt là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, đây là cơ hội không chỉ cho các DN bán lẻ mà còn với DN sản xuất, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm”, ông Đức nói và cho biết trong năm 2024, Saigon Co.op sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tối ưu hóa các kênh phân phối theo hướng đa kênh và tận dụng nền tảng thương mại điện tử để phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng.

Thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt

Việc các nhà bán lẻ đưa vào hoạt động nhiều điểm bán mới được kỳ vọng sẽ làm “nóng” lên sức mua của thị trường nội địa vốn không quá sôi động thời gian qua. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nửa đầu năm 2024 ước đạt 3.098,7 ngàn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Thực tế, trong những báo cáo phát đi gần đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) nhấn mạnh, những khó khăn hậu đại dịch Covid-19 vẫn dai dẳng kéo dài và chưa thể khắc phục được ngay khiến nhiều DN rơi vào tình trạng giảm việc làm, đóng cửa, nhiều lao động mất việc. “Có đến 64% DN tại TPHCM cho biết gặp khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng suy giảm, 50% DN khó khăn do thiếu đơn hàng mới, 29% DN khó khăn vì giá nguyên liệu đầu vào tăng, 16% DN khó khăn do thiếu vốn kinh doanh. Đặc biệt, chỉ số lao động cho thấy khá nhiều DN đang có kế hoạch giảm lao động với mức 30%”, báo cáo của HUBA chỉ rõ.

Chính khó khăn của DN đã kéo theo sự sụt giảm thu nhập của người dân, mà hệ quả sau đó là thắt chặt chi tiêu, khiến nhu cầu mua sắm ở mức thấp, tác động mạnh đến tổng mức bán lẻ nửa đầu năm. Điều này càng được minh chứng rõ ràng hơn ở không khí ảm đạm tại các khu chợ truyền thống lớn như Bến Thành (quận 1, TPHCM), An Đông (quận 5, TPHCM)…

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, sự tham gia trở lại “đường đua” của các DN bán lẻ thời điểm này được kỳ vọng rất lớn trong việc thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt. Bởi lẽ, mỗi cửa hàng, siêu thị sẽ tạo điều kiện cho hàng chục ngàn sản phẩm, hàng hóa có nơi trao đổi, mua bán trực tiếp với người tiêu dùng.

Điều đặc biệt, ở mỗi cửa hàng, điểm bán này đều có những chính sách ưu tiên nhất định cho hàng Việt trên quầy kệ - là cơ hội để các DN sản xuất Việt mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, để hàng hóa vào được những kênh phân phối này, nhà sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và quan trọng hơn cả là sản phẩm phải có yếu tố xanh.

Tin cùng chuyên mục