Né “bão giá” bằng mua hàng khuyến mãi
Đối với các bà nội trợ thì việc giá hàng hóa tăng chóng mặt những ngày qua không còn xa lạ, bởi ai cũng hiểu khi giá nguyên liệu đầu vào và xăng dầu đang tăng như hiện nay thì việc tăng giá là khó tránh khỏi.
Để né “bão giá”, các bà nội trợ chia sẻ rằng họ thường tìm đến sản phẩm khuyến mãi, nhưng yêu cầu sản phẩm vẫn không khác biệt so với trước gồm: chất lượng, thương hiệu và dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Đây cũng là điều dễ hiểu khi các nhà bán lẻ như Saigon Co.op luôn thu hút khách hàng vào mỗi dịp có chương trình khuyến mãi.
Là khách hàng trung thành nhiều năm của siêu thị Co.opmart, chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (quận Bình Thạnh) kể: Thời gian qua chị đã quen thuộc với các đợt giảm giá hàng hóa tại siêu thị này vì thế thường canh thời gian để mua sản phẩm cần thiết cho gia đình.
“Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay gia đình tôi ở lại Sài Gòn nên tôi tranh thủ tới Co.opmart Văn Thánh mua sắm cho gia đình. Nhờ danh mục hàng giảm giá đa dạng từ dầu ăn, nước mắm, bột giặt… cho tới quần áo, hóa mỹ phẩm, tôi đã mua được không ít sản phẩm với giá hời. Tính sơ sơ cả giảm giá lẫn giảm thuế VAT, đợt này tôi đã tiết kiệm gần 40% tiền so với giá niêm yết”, chị Tiên phấn khởi.
Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile trên toàn quốc đã thực hiện giảm giá sâu lên đến 50% cho hơn 2.000 sản phẩm thương hiệu Co.op Select, Co.op Happy.
Theo đó, nhóm thực phẩm công nghệ như gạo thơm ST25, dầu nành, đường, nước mắm… giảm giá 50%; nhóm thực phẩm tươi sống như rau xanh các loại, cà chua, nấm, trứng gà… giảm giá 30%; nhóm sản phẩm đồ dùng, may mặc và hóa phẩm giảm giá lên đến 50%.
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây, thực phẩm sơ chế luân phiên giảm giá 15-20%.
Ngoài ra, các mặt hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, đồ dùng, may mặc đều có mức giảm giá từ 30-50% trong các chương trình khuyến mãi thường xuyên, cụ thể: mua nhiều ưu đãi lớn (giảm giá 50% khi mua sản phẩm thứ 2, 4, 6 cùng loại), siêu ưu đãi (mua sản phẩm giá ưu đãi với hóa đơn trên 300.000 đồng), giá sốc giảm tận gốc (giảm giá gần bằng giá vốn một số sản phẩm), siêu tiết kiệm - size to giá hời (mua size càng lớn tiết kiệm càng nhiều).
Bà Lê Ngọc Thu (TP Thủ Đức, TPHCM) cho hay, bình thường các mặt hàng giá cao nên khi giảm giá đã phần nào giảm bớt áp lực cho người dân. “Mấy ngày qua, đi Co.opmart thấy giảm giá nhiều nên tôi mua nhiều để dùng dần, vừa tiết kiệm lại đỡ mất công đi lại”, bà Thu nói.
Gồng mình kiềm giá để chia sẻ với khách hàng
Theo Sở Công thương TPHCM, trước áp lực tăng giá của nguyên liệu đầu vào, từ đầu tháng 4, nhiều hàng hóa thiết yếu đã điều chỉnh tăng giá.
Tuy vậy hầu hết doanh nghiệp thuộc chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố vẫn giữ ổn định hoặc giảm giá bán so với năm 2021; chỉ có 2 mặt hàng là thịt gia cầm và trứng gia cầm tăng giá do giá đầu vào tăng cao từ năm 2021 đến nay.
“Đây là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối trong bối cảnh hiện nay”, đại diện Sở Công thương đánh giá.
Là doanh nghiệp bán lẻ tiên phong trong việc giữ giá và bình ổn thị trường, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho rằng, trước những biến động của thị trường thế giới, thị trường Việt Nam đang chịu ảnh hưởng sâu rộng và việc tăng giá sản phẩm nhiều ngành hàng là khó tránh khỏi.
Dù vậy, Saigon Co.op đã cam kết với các đối tác và bạn hàng là sẽ duy trì lượng hàng ổn định trong khoảng thời gian nhất định. “Chúng tôi chưa có biện pháp hay hành động tăng giá ngay lập tức với những mặt hàng thiết yếu và cố gắng giữ giá ổn định bằng nhiều cách”, ông Đức nói.
Trong năm 2022, Saigon Co.op sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ổn định giá cả, chú trọng địa phương hóa nguồn hàng, cụ thể là với hàng thiết yếu, bắt buộc phải dùng nguồn hàng tại địa phương để tối ưu hóa chi phí.
Bên cạnh đó, nhà bán lẻ này tiếp tục luân phiên tổ chức những đợt khuyến mãi, giảm giá với hàng hóa thiết yếu để giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm.
Điển hình như với thịt heo, trong khi những mặt hàng khác tăng giá thì nửa đầu tháng 4 vừa rồi Saigon Co.op đã phối hợp cùng Vissan, Anh Hoàng Thy, Nam Phong, Feddy... giảm 15% trên giá niêm yết, đặc biệt có mặt hàng giảm đến 34%.
Theo các chuyên gia, trong điều kiện kinh tế khó khăn, người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên việc các doanh nghiệp sản xuất, nhà bán lẻ nỗ lực kiềm giá hàng hóa sẽ góp phần tích cực kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận hàng hóa với giá tốt.
Đề xuất thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp bình ổn thị trường Hội Lương thực thực phẩm TPHCM vừa đề xuất thành lập Câu lạc bộ (CLB) Doanh nghiệp bình ổn thị trường. Trong CLB này, một số doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm cho nhau, doanh nghiệp phân phối có thể giảm chiết khấu 1-2% cho doanh nghiệp cung cấp và tăng cường truyền thông cho nhau. Sở dĩ hội này có đề xuất là do thời gian qua với áp lực của tăng giá nguyên liệu đầu vào cùng nhiều chi phí khác khiến doanh nghiệp thực phẩm đang phải gồng mình để giữ giá. Theo đó, các doanh nghiệp của hội đang tiếp tục tham gia Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và Tết Quý Mão 2023. Trong chương trình này, ngoài những mặt hàng bán theo giá thống nhất đã đăng ký với Sở Tài chính và Sở Công thương, các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm đang cố gắng giữ giá nhiều mặt hàng khác. Trong trường hợp buộc phải tăng giá, chỉ điều chỉnh trong giới hạn mà người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, để có thể thực hiện bình ổn giá dài lâu, doanh nghiệp rất cần được thành phố kết nối với ngân hàng vay vốn đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm gia tăng năng lực, hiệu quả sản xuất; đồng thời mong muốn có một CLB tập hợp những doanh nghiệp cùng tham gia bình ổn thị trường nhằm chia sẻ, hỗ trợ cho nhau. HẠ MY |