Sức ép từ mở cửa thị trường
Trong đánh giá mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường AC Nielsen, tại khu vực châu Á, Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao và thu hút nhiều đại gia bán lẻ ngoại đầu tư. Từ nhiều năm nay, hàng loạt nhà bán lẻ ngoại đã gia nhập thị trường Việt Nam như BigC, Lotte Mart, AEON, Emart… và họ không ngừng mở rộng mạng lưới trên khắp đất nước. Trong đó, Lotte Mart đang sở hữu 14 trung tâm thương mại và siêu thị; AEON Việt Nam có 29 trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp - siêu thị và cửa hàng chuyên doanh…
Ngoài mở rộng mạng lưới, làn sóng thâu tóm qua M&A trong lĩnh vực này cũng diễn ra mạnh mẽ. Có thể kể đến việc Berli Jucker mua lại Metro Cash & Carry Vietnam, Central Group (Thái Lan) đã mua lại Nguyễn Kim Trading và BigC Vietnam…
Đặc biệt, sắp tới đây, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi được cho là sẽ mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho bán lẻ Việt. Cụ thể, doanh nghiệp (DN) Việt có cơ hội tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn đầu tư, công nghệ quản lý thương mại hiện đại từ EU.
Qua đó, hệ thống bán lẻ Việt Nam sẽ được hiện đại hóa, người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ, bởi Việt Nam sẽ theo cam kết với EVFTA mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối. Kéo theo đó là làn sóng DN lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cam kết dỡ bỏ quy định Tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) nếu như trước đây được xem là một công cụ vô cùng hữu ích, là hàng rào kỹ thuật để hạn chế các nhà bán lẻ nước ngoài đầu tư, nhằm hỗ trợ cho ngành bán lẻ trong nước, thì nay ENT không còn, khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Sự mở rộng quy mô, tăng đầu tư của các nhà bán lẻ nước ngoài trên thị trường Việt Nam sẽ trở nên dễ dàng, vì không cần phải qua kiểm tra ENT.
Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM, thực tế hiện nay, năng lực và sức cạnh tranh của các DN Việt Nam còn yếu, khả năng hấp thụ công nghệ còn hạn chế, thường gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Vì thế, các DN phân phối trong nước sẽ chịu áp lực gia tăng cạnh tranh nên có khả năng dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần.
Củng cố nội lực
Để thích ứng trước làn sóng hội nhập, từ nhiều năm nay, các nhà bán lẻ nội như Saigon Co.op, Masan hay Satra… đều đã chủ động củng cố nội lực qua việc phát triển điểm bán, nâng chất lượng hàng hóa phân phối cũng như ứng dụng các công nghệ hiện đại, hoàn thiện mạng lưới logistics.
Điển hình là nhà bán lẻ Saigon Co.op đã từng bước mở rộng thêm các điểm bán và tới nay đã có gần 1.000 điểm bán trên khắp cả nước. Đặc biệt, để phù hợp với xu thế mới, Saigon Co.op đã tích hợp dữ liệu thông tin về người tiêu dùng cả phương thức bán offline và online; đồng thời kết hợp với các đối tác để đưa số hóa vào bán lẻ. Cụ thể là việc hợp tác với ví điện tử MoMo để đưa thêm phương thức thanh toán mới, thuận tiện hơn cho khách hàng.
Đồng thời Saigon Co.op đã chủ động đầu tư, vận hành nền tảng thương mại điện tử riêng của mình là app Saigon Co.op. Đây là app giúp Saigon Co.op tương tác với khách hàng, chăm sóc khách hàng tốt hơn và là kênh bán hàng quan trọng trong chiến lược phát triển thương mại đa kênh, bắt kịp xu hướng tiêu dùng online đang tăng trưởng ấn tượng tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Saigon Co.op, có 2 cách để các đơn vị bán lẻ phát triển, gồm tự phát triển ra mô hình của chính mình và sở hữu làm chủ mô hình này, rồi sau đó vươn lên theo thời gian (với cách này, Saigon Co.op đang phát triển được gần 10 mô hình bán lẻ từ trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị cho tới cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh…). Cách thứ hai là phát triển theo hình thức mua bán sáp nhập và đơn vị này đã thực hiện tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh và nhân sự của 18 siêu thị Auchan Việt Nam. Đây là những bước đi vững chắc để Saigon Co.op đứng vững trong hội nhập.
Ngoài Saigon Co.op, thị trường Việt Nam còn ghi nhận sự lớn mạnh của nhiều nhà bán lẻ trong nước khác, như hệ thống bán lẻ Bách hóa Xanh của Thế giới di động (gần 500 cửa hàng); hệ thống bán lẻ thuộc Satra với trên 200 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra Foods, Trung tâm thương mại Satra, siêu thị Tax…
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, bên cạnh sự chủ động củng cố nội lực, nhà bán lẻ cần thúc đẩy liên kết, hợp tác với các đối tác trong, ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường, nhằm tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị; liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước cũng như khu vực để tăng sức cạnh tranh.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nhà bán lẻ cũng cần cải thiện nguồn hàng bằng cách tận dụng nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam được giảm mức thuế nhập khẩu xuống mức 0%, ngay khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực thi hành. Điều này giúp các DN bán lẻ cân bằng lại nguồn hàng cung ứng, giảm thiểu tỷ lệ rủi ro và có nguồn hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao để kéo người tiêu dùng về phía mình.