Thị trường tiềm năng thu hút nhà bán lẻ
Theo số liệu từ Bộ Công thương, trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 3.679.230 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2021. Những con số này cho thấy ngành bán lẻ trong nước đang dần bắt kịp với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam giữ được đà tăng trưởng tốt ở mức 6,4% trong nửa đầu năm 2022. Đây là những tín hiệu tích cực để thu hút các thương hiệu bán lẻ trong nước và quốc tế tăng tốc đầu tư vào ngành bán lẻ tại Việt Nam.
Với nhà bán lẻ quốc tế, Savills Việt Nam công bố, nhiều thương hiệu bán lẻ ngoại đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, bắt nguồn từ những tín hiệu tích cực của nền kinh tế và tiềm năng tiêu dùng gia tăng.
Ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Savills, cho biết, thị trường Việt Nam đang có lợi thế để bật cao hơn so với những thị trường lớn tại Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan. Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng quốc tế đều đã có mặt tại những thị trường này. Từ các hãng bình dân như H&M, Zara đến nhãn hàng cao cấp như Louis Vuitton, Dior đều đã có 5-6 cửa hàng tại Singapore và Bangkok. Trong khi đó, các thương hiệu này chỉ mới mở 1-2 cửa hàng tại các thành phố lớn của Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho các nhãn hãng, thương hiệu đến Việt Nam mở rộng thị trường.
Trên thực tế, tại các thành phố lớn ở Việt Nam đang xuất hiện nhiều hơn các thương hiệu bán lẻ mở mới hoặc tăng số lượng cửa hàng. Phân khúc bình dân phục vụ nhu cầu đại chúng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đồ gia dụng, dịch vụ sức khỏe, ăn uống đều hoạt động tốt và đang tiếp tục mở rộng. Nhiều nhãn hàng mới cũng đang bước đầu gia nhập thị trường với các cửa hàng trực tuyến trước khi mở các cửa hàng truyền thống như Sephora, Perfect Diary và Maje.
Ở phân khúc cao cấp hơn, uớc tính của Statista cho thấy, thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam trong năm 2022 tăng 34% và sẽ tiếp tục tăng trưởng 4% mỗi năm tới năm 2025. Những thương hiệu thuộc phân khúc này thường hướng đến địa điểm tập trung nguồn khách hàng cao cấp, thường là khu vực trung tâm. Cùng với các nhà bán lẻ mới thâm nhập, những nhà bán lẻ quốc tế đang hiện hữu tại Việt Nam như Aeon, Central Retail… cũng công bố hoạt động mới, cho biết sẽ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để mở rộng thị phần bán lẻ, thông qua mở rộng hệ thống trên cả nước.
Bán lẻ trong nước giữ vững thị phần
Trước xu thế các nhà bán lẻ ngoại ồ ạt gia nhập thị trường, các DN bán lẻ nội cũng không ngồi yên mà liên tục có sự chuyển mình. Thị trường có nhiều tên tuổi như Satra, FPT Retail, Vincommer, Saigon Co.op… đang tích cực mở rộng hệ thống, tăng tốc chuyển đổi số để giữ thị phần.
Điển hình như nhà bán lẻ Saigon Co.op, theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc, trong năm nay, Saigon Co.op đã triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất, kinh doanh gồm: tập trung số hóa - điện toán hóa, tinh chuyển, chấn chỉnh các hoạt động; tập trung đầu tư kho bãi - logistics, chú trọng thương mại điện tử… Mục tiêu cụ thể là phấn đấu doanh số tăng trưởng 4,5% so với năm 2021. Saigon Co.op cũng dự kiến mở 3-5 điểm bán lẻ là siêu thị, đại siêu thị và 80-100 điểm bán lẻ nhỏ. Đối với những điểm bán không hiệu quả, Saigon Co.op kiên quyết đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình.
“Quá trình số hóa chính là trọng tâm hoạt động của Saigon Co.op. Số hóa là trung tâm trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vì sự hợp tác của các đối tác, bạn hàng, nhà sản xuất với NTD. Cụ thể, Saigon Co.op có khoảng 2.000 nhà cung cấp, trong đó có những nhà cung cấp mang tính chất nhỏ lẻ, HTX, nông dân còn hạn chế trong việc ứng dụng số hóa nhưng cũng có nhiều đối tác là tập đoàn, DN có vốn đầu tư nước ngoài có thế mạnh trong ứng dụng kinh tế số vào mọi hoạt động. Sự khác biệt giữa các đối tác này dẫn đến việc điện toán hóa, số hóa và kể cả ứng dụng thương mại điện tử của Saigon Co.op làm theo cách riêng của mình nhằm thực hiện công tác điện toán hóa, số hóa trong từng lĩnh vực để tạo khác biệt”- ông Đức cho biết thêm.