Tăng tốc ngay từ đầu năm
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ, năm 2021 nhà bán lẻ này phấn đấu phát triển mạng lưới đến 1.500 điểm bán, đa dạng hóa các loại hình bán lẻ. Ngay từ những tháng đầu tiên của năm 2021, Saigon Co.op đã đồng loạt đưa vào hoạt động nhiều cửa hàng, siêu thị trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Mục tiêu đến năm 2025, Saigon Co.op đạt tối thiểu 2.000 điểm bán hàng, đồng thời hoàn thiện, nâng cao hiệu quả đầu tư mô hình Co.opmart tuyến huyện, Co.op Food tỉnh; phát triển dự án có quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố lớn nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh.
Tháng 1-2021, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động thêm hàng loạt cửa hàng Co.op Food mới tại các tỉnh Phú Yên, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân. Đầu tháng 2-2021, hệ thống siêu thị cao cấp Finelife (thương hiệu bán lẻ thuộc Saigon Co.op) đã đưa vào hoạt động siêu thị Finelife Supermarket Urban Hill tại số 51A đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM.
Nhà bán lẻ này cho biết, siêu thị Finelife Supermarket Urban Hill có diện tích hơn 2.000m², kinh doanh hơn 17.000 mặt hàng hữu cơ cao cấp trong nước và nhập khẩu, đủ các ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng và thời trang cao cấp. Đây là hệ thống siêu thị cao cấp đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ E-label điều chỉnh tự động và Finelife Supermarket Urban Hill, là siêu thị đầu tiên có quầy tính tiền cho khách tự thanh toán như ở một số siêu thị hàng đầu thế giới. Liên tục đưa vào hoạt động những điểm bán mới, Saigon Co.op đang tham vọng sẽ giành thị phần từ 43-45% so với 41% hiện tại.
Ngoài Saigon Co.op, một nhà bán lẻ khác là Công ty CP đầu tư Thế giới di động (chủ sở hữu hệ thống siêu thị Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh), cũng đưa vào hoạt động một số điểm bán mới của hệ thống Điện máy Xanh trong tháng 1-2021. Trong năm 2021, doanh nghiệp này dự kiến số lượng siêu thị Điện máy Xanh sẽ lên 1.000 trên toàn quốc và doanh thu tăng gấp 10 lần, lên 5.000 tỷ đồng. Tới năm 2022, Điện máy Xanh đặt mục tiêu 1.200 cửa hàng và nâng mức doanh thu gấp 30 lần năm 2020, lên 15.000 tỷ đồng, chiếm 60% thị phần bán lẻ điện máy toàn thị trường.
Cùng với Điện máy Xanh, chuỗi Bách hóa Xanh cũng đặt mục tiêu cuối năm 2021, sẽ có hơn 500 cửa hàng diện tích lớn cả nâng cấp và mở mới. Năm 2020, chuỗi bán lẻ này đã tăng thêm 711 cửa hàng, nâng tổng số lên 1.719 địa điểm kinh doanh. Chuỗi này ghi nhận doanh thu gấp đôi so với năm 2019, đạt 21.260 tỷ đồng và đóng góp 19,6% tổng doanh thu của tập đoàn.
Tạo cơ hội cho hàng Việt
Theo dự báo của Vietcombank Securities (VCBS), năm 2021, tốc độ tăng trưởng bán lẻ sẽ hồi phục mạnh vào quý 2 với mức 14,49%. Đây cũng là điều dễ hiểu khi ngoài 2 đơn vị trên, nhiều nhà bán lẻ nội địa khác như Vincommerce, Satra… cũng đang phát triển ngày một lớn mạnh. Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt còn đứng lên mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị của các kênh phân phối nước ngoài. Điển hình là vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Auchan Reatil (Pháp) của Saigon Co.op tháng 6-2019, hay vụ thâu tóm Z-Mart (4-2019), Shop & Go (4-2019) và Queenland Mart (9-2019) của Vincommerce…
Trước đó, khi nói về làn sóng hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đến Việt Nam, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại nhà bán lẻ nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong nước. Dù vậy, thực tế trên thị trường thời gian qua đã chứng minh những suy đoán này không hẳn đã chính xác. Nhà bán lẻ Việt chắc chân tại nội địa sẽ tạo cầu nối cho sản phẩm hàng Việt tiếp cận, đưa hàng vào những kênh phân phối này. Đơn cử như Saigon Co.op với gần 1.000 điểm bán đang là nơi kết nối- tiêu thụ cho các sản phẩm, thương hiệu Việt từ thực phẩm, rau củ, thời trang… cho tới hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia dụng.
Thực tế, kể từ khi đưa vào hoạt động mô hình bán lẻ đầu tiên, tới nay Saigon Co.op đã không phát triển các mô hình bán lẻ khác nhau, trải đều ở tất cả phân khúc. Nhờ vậy Saigon Co.op là đơn vị hiếm hoi của Việt Nam có đầy đủ các mô hình từ cửa hàng tiện lợi, siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại cho tới trực tuyến. Đặc biệt hơn, Saigon Co.op không chỉ phát triển ở quy mô một vài địa phương mà lan tỏa trên khắp cả nước cũng như vươn mình hợp tác với nước ngoài tại Singapore, Nhật Bản. Từ đó tạo điều kiện cho hàng Việt được tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Chẳng hạn với nông sản, theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tới nay, các sản phẩm rau VietGAP ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Lâm Đồng đang có đầu ra ổn định bởi được Saigon Co.op liên kết bao tiêu toàn hệ thống. Nhà bán lẻ này còn tiến hành đặt hàng các nhà sản xuất gạo, trái cây, cá… theo bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới dành riêng cho nhóm hàng thực phẩm tươi sống được Saigon Co.op công bố năm 2019.
Theo giới chuyên gia, với việc mở cửa thị trường theo cam kết của các Hiệp định thương mại thế hệ mới, doanh nghiệp bán lẻ ngoại sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn và doanh nghiệp nội phải cạnh tranh khốc liệt hơn. Các nhà bán lẻ nội địa cho biết, sẽ tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ hơn để thích ứng với những thay đổi của thị trường. Đồng thời tăng cường hơn các hoạt động kết nối với các tỉnh thành, địa phương trên cả nước và nước ngoài, nhằm đảm bảo đưa hàng Việt tiếp tục trở thành trụ cột và cùng vươn lên.