Đáng chú ý, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 156.506 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Việc doanh thu bán lẻ tăng trở lại ở mức khá được đánh giá sẽ giúp doanh nghiệp nội tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa, tiêu dùng của TPHCM tăng khá là do các doanh nghiệp Việt đã rất coi trọng thị trường trong nước.
Cụ thể, tiếp đà vừa chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế trong năm 2020, từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, phân phối của thành phố đã liên tục có những động thái như: ra mắt những sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu khách hàng, giảm giá mạnh tay kích cầu hoặc cơ cấu lại chất lượng, giá thành sản phẩm phù hợp.
Thị trường bán lẻ đang phục hồi tích cực trở lại chính là một tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng các ngành dệt may, da giày. Riêng với ngành sản xuất thực phẩm, nhiều doanh nghiệp khẳng định vẫn đang đều đặn sản xuất theo các đơn đặt hàng từ nhà phân phối, bán lẻ.
Theo Bộ Công thương (MoIT), đến năm 2025, giá trị gia tăng của ngành thương mại trong nước sẽ đóng góp khoảng 13,5% GDP; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9%-9,5% mỗi năm giai đoạn 2020-2025. Với giả định tổng giá trị bán lẻ năm 2020 đi ngang so với năm 2019, các chuyên gia ước tính tổng giá trị bán lẻ sẽ đạt gần 350 tỷ USD vào năm 2025, gấp 1,6 lần so với năm 2020. Đây sẽ là cơ hội vô cùng lớn cho các doanh nghiệp Việt.