Cấu trúc chuỗi cung ứng
Dù có những khó khăn nhất định vì dịch bệnh, song không thể phủ nhận lĩnh vực bán lẻ (chủ yếu là kênh siêu thị, đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi) vẫn đang hoạt động tốt. Điều này có được do các nhà bán lẻ đã nhanh chóng dự báo được trước tình hình và có sự chuẩn bị kịp thời để giúp hàng hóa được luân chuyển từ nhà sản xuất tới kênh phân phối, đưa ra thị trường nhanh nhất.
Đơn cử, Saigon Co.op với hơn 800 điểm bán trên khắp cả nước đã được đánh giá làm rất tốt việc đảm bảo chuỗi cung ứng trong mùa dịch bệnh. Đại diện của Saigon Co.op chia sẻ, nhà bán lẻ này đã luôn đảm bảo được lượng hàng cung ứng đầy đủ trong suốt mùa dịch, nhờ lên kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ ngay từ đầu tháng 2-2020 và đặt hàng dự trữ về các kho trung tâm tại Bình Dương, miền Tây, miền Bắc. Saigon Co.op cũng thực hiện đàm phán ký thỏa thuận dự trữ hàng tại kho các nhà cung cấp; dự trữ tại kho các siêu thị và có kế hoạch dự trữ riêng cho từng siêu thị để kịp thời cung ứng hàng.
Đột phá kênh mua sắm online
Theo nhận định của giới chuyên gia, Covid-19 dù đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực bán lẻ, song đây là cuộc khủng hoảng để kích hoạt sự đổi mới, khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ hơn. Các nhà bán lẻ đã thích ứng với xu hướng mua sắm online bằng việc nhanh chóng triển khai bán hàng qua mạng, đặt hàng qua điện thoại để kịp thời đáp ứng nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng Việt.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp như PNJ, Phúc Sinh, Vissan… cũng đã đầu tư nhiều hơn cho khâu bán online. Theo ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ, doanh nghiệp này đã chuẩn bị cho kênh online trong dịp mua sắm nhân ngày Lễ tình nhân (14-2), Quốc tế Phụ nữ (8-3), kênh online của PNJ đã tăng trưởng nhanh hơn. Để thích ứng với hình thức này, PNJ đã bổ sung thêm trung tâm xử lý đơn hàng trực tuyến tại các khu vực khác nhau, đồng thời thay đổi cả mặt tổ chức cho phù hợp. |
Cũng nhờ triển khai theo xu thế này, doanh số bán ra trên kênh thương mại điện tử đã thực sự “bùng nổ” chỉ trong thời gian ngắn - trong khi trước đó dù có nhiều biện pháp kích cầu thì các nhà bán lẻ vẫn không thể làm được. Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, khẳng định việc đẩy nhanh các hình thức này đã giúp doanh số của Saigon Co.op được duy trì, trong đó kênh bán online đã tăng gấp 10 lần so với trước đây.
Giống như Saigon Co.op, các nhà bán lẻ khác là AEON Việt Nam, Big C, Lotte Mart… cũng nhận thấy được xu hướng mua sắm online sẽ tăng mạnh nên đã tăng cường thêm nhân sự cho bộ phận giao hàng, thúc đẩy mua sắm online. Chẳng hạn Big C, ngoài kịp thời triển khai bán hàng qua điện thoại đã bổ sung tính năng đi chợ online trên ứng dụng Chopp; Lotte Mart có ứng dụng mua sắm trực tuyến Speed L giúp chị em văn phòng, nội trợ… có thể yên tâm ngồi tại chỗ mua sắm. AEON Việt Nam cũng nhanh tay ra mắt dịch vụ đi chợ hộ qua điện thoại, nhằm hỗ trợ những khách hàng chưa rành về công nghệ mua sắm trên app và website… Các giải pháp này được cho là bước đột phá giúp doanh số bán hàng của nhà bán lẻ truyền thống được ổn định, bởi kênh online đã tăng trưởng gấp 3-4 lần trong dịch vừa qua.
Có thể thấy, từ ảnh hưởng của dịch bệnh, kênh phân phối truyền thống đã chuyển mình mạnh mẽ, tạo ra xu hướng kinh doanh mới hiện đại, phù hợp hơn với thị trường. Từ thành công này, các nhà bán lẻ khẳng định đây sẽ là xu hướng để họ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới, kể cả khi hết dịch, nhằm tạo sự đa dạng trong chuỗi cung ứng bán lẻ cho người tiêu dùng.