Băn khoăn xử lý người chưa thành niên phạm tội- Bài 2: Hướng đến giải pháp nhân văn

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với NCTN phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ NCTN phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm bằng cách áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.

Hai bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn (áo kẻ) và Ôn Thành Tân tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: THÀNH CHUNG
Hai bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn (áo kẻ) và Ôn Thành Tân tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: THÀNH CHUNG

Đồng thời xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho NCTN; bảo đảm các quyền cơ bản của NCTN trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng…

Nhìn lại vụ án “cướp bánh mì”

Ngày 15-9-2016, Tòa Gia đình và NCTN (TAND TPHCM) mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án cướp giật bánh mì đối với 2 bị cáo Ôn Thành Tân (SN 1998, ngụ quận 9 - nay là TP Thủ Đức) và Nguyễn Hoàng Tuấn (SN 1998, ngụ huyện Củ Chi). Trước đó, 2 em vì đói nên đã giật đồ ăn từ một tiệm tạp hóa, số hàng bị cướp giật có giá 45.000 đồng. Thời điểm phạm tội, cả hai chưa thành niên.

Đây là vụ án nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận vào thời điểm đó. Người dân thắc mắc vì sao chỉ giật cái bánh mì mà 2 đứa trẻ bị truy tố hình sự. Theo quy định pháp luật, tội “Cướp giật tài sản” là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai và nhanh chóng. Đây là tội phạm có cấu thành hình thức, tội phạm hoàn thành khi người phạm tội giật được tài sản ra khỏi sự quản lý của chủ tài sản. Khác với tội “Trộm cắp tài sản”, tội “Cướp giật tài sản” không quy định về giá trị tài sản tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó mức tài sản bị chiếm đoạt không phải là dấu hiệu cấu thành tội “Cướp giật tài sản”.

Trước khi xét xử phúc thẩm, TAND tối cao đã có văn bản gửi TAND TPHCM về vụ án này. Văn bản nêu rõ, việc xử lý NCTN phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích trong xã hội. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của NCTN, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với NCTN phạm tội, thì tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.

Là người bảo vệ quyền lợi cho Tân và Tuấn tại tòa, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM) không thể quên giây phút Tân và Tuấn vui mừng đến bật khóc, nói lời cảm ơn hội đồng xét xử khi được tuyên miễn trách nhiệm hình sự cách đây 8 năm.

Thời điểm phạm tội, Tuấn có hoàn cảnh gia đình hết sức đặc biệt. Cha mất sớm, mẹ đi bước nữa nhưng người cha dượng bỏ mẹ con Tuấn ra đi. Mẹ Tuấn đành gửi em cho người bà chăm sóc để đi làm ăn, kiếm tiền nuôi con. Những biến cố gia đình ập đến khi Tuấn còn trong độ tuổi chưa thành niên và không có được sự giáo dục đầy đủ từ gia đình đã hình thành nơi em một số suy nghĩ lệch lạc. Còn đối với Tân, thời điểm đó, em đã được Hội Liên hiệp Thanh niên quận 9 (nay là TP Thủ Đức) và TPHCM hỗ trợ toàn bộ chi phí khóa học quản trị mạng. “Nhận được sự khoan hồng của pháp luật và lòng yêu thương của cộng đồng, Tân đã vô cùng ăn năn và hứa với luật sư sẽ chuyên tâm vào việc học”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ kể.

Bàn về các giải pháp ngăn ngừa NCTN phạm tội, ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐTB-XH TPHCM, nêu ý kiến: việc xây dựng gia đình hạnh phúc, cùng quan quan trọng. Theo ông Tính, qua quá trình can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ, giải quyết, xử lý các trường hợp NCTN vi phạm pháp luật cho thấy phần lớn các em sống trong gia đình ly hôn. Ông Tính cũng cho rằng, các giải pháp tại TPHCM cần thêm vai trò của Trung ương Đoàn, Ủy ban quốc gia về thanh niên. Bên cạnh đó, cần có đánh giá tác động về giới, vì hiện nay trong xã hội đang có nhiều nhóm như đồng tính, song tính, dị tính, liên giới tính… Việc tạm giam, tạm giữ đối với các nhóm đối tượng này ở đâu, như thế nào hiện chưa có quy định rõ ràng.

Thay đổi cách tiếp cận

Một vụ việc khác, Trần Minh Hoàng, người từng giả gái để trộm túi xách Gucci trị giá 1.200 USD và làm “dậy sóng” cộng đồng mạng với câu nói “Chị hiểu hông?”, bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù về tội “Cướp giật tài sản”. Thời điểm xét xử vào tháng 6-2020, Tòa Gia đình và NCTN (TAND TPHCM) nhận định, bị cáo Hoàng có nhân thân xấu nhưng phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nên hội đồng xét xử giảm một phần hình phạt cho bị cáo. Nhận định này được những người tham dự phiên tòa đồng tình vì sự nhân văn của pháp luật đối với NCTN.

Từ vụ án trên có thể thấy, hình phạt phù hợp cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng là giải pháp quan trọng giúp đỡ NCTN phạm tội làm lại cuộc đời. Theo Thạc sĩ Lê Thị Anh Nga, Giảng viên bộ môn Tội phạm học (Khoa Hình sự, Trường Đại học Luật TPHCM), bản chất của NCTN là sự thiếu hiểu biết, thiếu khả năng điều khiển cảm xúc và hành vi, từ đó dễ dẫn đến những hành vi lệch chuẩn xã hội. Để phòng ngừa NCTN phạm tội, theo bà Nga, nên quan tâm đến chính sách tư pháp phục hồi nhằm kịp thời giáo dục và đưa trẻ trở lại con đường đúng đắn; xóa bỏ mặc cảm tội lỗi để các em có thể tự tin vào phần thiện của bản thân mà cố gắng trở thành người tốt. Dự án Luật Tư pháp NCTN đang đi đúng hướng này.

Phòng ngừa tội phạm chưa thành niên không phải là việc làm một sớm một chiều hay đơn lẻ của một bộ phận chức năng, mà là vấn đề về tư duy nhận thức của những người làm chính sách nhà nước, cần được đánh giá đúng mức để đầu tư nguồn lực và kinh phí. Ở góc độ chính sách, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chánh án TAND TPHCM, cho rằng, cần sớm ban hành Luật Tư pháp NCTN và các văn bản hướng dẫn để việc thực hiện hoạt động tố tụng liên quan đến NCTN được thống nhất, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, cần sớm thành lập đầy đủ Tòa Gia đình và NCTN trong toàn hệ thống TAND để xử lý NCTN phạm tội cũng như những vấn đề khác liên quan đến NCTN, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của NCTN. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng thân thiện với NCTN phạm tội cho đội ngũ trực tiếp giải quyết vụ án hình sự và các vấn đề liên quan đối với NCTN, như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và nhân viên công tác xã hội.

Theo Phó Chánh án TAND TPHCM, điều băn khoăn lớn nhất là sự thiếu vắng hoặc quan tâm chưa sâu sát của các chủ thể hỗ trợ việc giám sát, giáo dục NCTN khi họ được xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng, từ đó sẽ dẫn đến tình trạng họ vi phạm nghĩa vụ nhiều, và như vậy họ sẽ bị đưa vào trường giáo dưỡng. Do vậy, hệ thống các cơ quan tham gia hoạt động hỗ trợ cho NCTN cần có sự chung tay, đồng lòng, triển khai mạnh mẽ từ nhận thức đến phương thức thực hiện. Ngoài các cơ quan tư pháp, cần có các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em… hỗ trợ mới có thể đảm bảo việc bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho NCTN.

Dự thảo Luật Tư pháp NCTN mở rộng đối tượng NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền và mức phạt tiền không quá 1/3 mức tiền phạt mà điều luật quy định. Về hình phạt tù có thời hạn, dự án luật quy định giảm mức hình phạt tù đối với NCTN theo hướng: Giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù; đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi từ 12 năm xuống 9 năm tù.

Tin cùng chuyên mục