Băn khoăn xử lý người chưa thành niên phạm tội - Bài 1: Bài toán khó cần lời giải

Theo nhận định của lãnh đạo Công an TPHCM, các đối tượng hoạt động phạm tội là người chưa thành niên (NCTN) có xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, quy định pháp luật hiện hành đối với đối tượng này đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, không còn theo kịp những diễn biến mới của xã hội.

LTS: Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 166 điều, được bố cục thành 5 phần, 11 chương, dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Việc xây dựng Dự án luật là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”; thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Theo nhận định của lãnh đạo Công an TPHCM, các đối tượng hoạt động phạm tội là người chưa thành niên (NCTN) có xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, quy định pháp luật hiện hành đối với đối tượng này đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, không còn theo kịp những diễn biến mới của xã hội.

Diễn biến phức tạp

Gần đây, trên địa bàn TPHCM xảy ra nhiều vụ việc NCTN phạm tội. Điển hình như Công an quận 12 vừa triệt phá một băng cướp tài sản gồm 4 thành viên cùng ở độ tuổi 16, 17, đã gây ra ít nhất 7 vụ án. Băng cướp này rảo qua nhiều tuyến đường thuộc các quận 6, 11, 12, Tân Bình tìm kiếm nạn nhân sơ hở, mất cảnh giác để cướp giật điện thoại di động, bán lấy tiền tiêu xài. Hành vi phạm tội của các đối tượng rất manh động, coi thường pháp luật, gây nguy hiểm cho người dân.

Một vụ việc khác, ngày 4-5, T.V.K. (sinh năm 2007, ngụ quận 5) và Nguyễn Khoa Minh (sinh năm 2005, ngụ quận 8) bị Công an TP Thủ Đức bắt giữ để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Hai đối tượng này thường đến Khu đô thị Sala (phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức) giả làm công an (Minh mặc áo khoác có in logo Công an nhân dân và mang theo còng số 8) chặn những xe không có gương chiếu hậu, người điều khiển xe không đội nón bảo hiểm để “vòi” tiền. Trước khi bị công an phát hiện, Minh và K. đã vòi tiền được 3 trường hợp.

Quá trình tìm hiểu các vụ án, phóng viên không khỏi bất ngờ khi có những đối tượng phạm tội chỉ mới học… lớp 7, như vụ việc xảy ra tại một trường THCS trên địa bàn quận Bình Thạnh. Cụ thể, em Đ.V.H. học cùng lớp 7 với T.N.K. Từ tháng 1-2024 đến tháng 4-2024, K. thường xuyên đánh, bắt nạt H. và yêu cầu mỗi ngày H. phải nộp cho K. 30.000 đồng. Ngày 29-4, K. yêu cầu H. nộp 100.000 đồng và 1 chiếc điện thoại. H. đã kể lại sự việc cho gia đình. Sau đó, K. bị gia đình H. bắt quả tang khi mới lấy được điện thoại của H., giao cho công an xử lý.

C3b.jpg
Một phiên tòa xét xử các bị cáo là người chưa thành niên

Theo Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TPHCM, các đối tượng hoạt động phạm tội là NCTN có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, hoạt động theo các nhóm. Các đối tượng thường sử dụng hung khí, vũ khí tự chế nguy hiểm, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Các đối tượng thực hiện các hành vi cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản...

Thiếu giáo dục, nặng hình phạt

NCTN là người đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện về thể chất, tâm sinh lý, nhân cách sống, là đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Viện KSND TPHCM, trong suốt quá trình tố tụng, từ khi bắt đầu khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử cũng như giai đoạn thi hành án, thực tế không có sự phân biệt giữa việc giải quyết những vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện với những vụ án do người thành niên thực hiện.

Theo thống kê của TAND TPHCM, quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án có bị can, bị cáo là NCTN, TAND TPHCM nhận thấy tỷ lệ áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế như tạm giữ, tạm giam với NCTN còn cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đối với NCTN, không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, học tập của các em trong thời gian tạm giam; các em không được tiếp xúc với gia đình. Số bị cáo là người dưới 18 tuổi bị áp dụng hình phạt tù chiếm tỷ lệ cao do trong quá trình điều tra, truy tố thì bị can, bị cáo thường đã chuyển từ bị tạm giữ chuyển sang tạm giam; dẫn đến ảnh hưởng phần nào tâm lý của hội đồng xét xử khi quyết định hình phạt cho các bị cáo là NCTN.

Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chánh án TAND TPHCM, cho biết, dự án Luật Tư pháp NCTN nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho NCTN. Dự án luật đảm bảo việc xử lý NCTN phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, giáo dục, giúp đỡ NCTN tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, giúp họ trở thành công dân có ích cho xã hội.

“Theo thông lệ quốc tế cũng như quy định hiện hành về bản chất thì đưa NCTN vào trường giáo dưỡng không phải là biện pháp tư pháp mà là hình phạt, bởi đây là một hình thức hạn chế quyền tự do, đưa các em vào tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ theo quy định của pháp luật, nên không khuyến khích áp dụng. Thay vào đó là các biện pháp xử lý khác theo dự thảo luật đã quy định, như: xin lỗi bị hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; hạn chế khung giờ đi lại; lao động công ích; giáo dục tại xã, phường; giám sát tại gia đình...”, bà Hà nêu ý kiến.

Khó tái hòa nhập cộng đồng

Vấn đề tái hòa nhập cộng đồng đối với NCTN cũng bộc lộ bất cập. Thượng tá Lê Duy Sâm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM, cho biết, nhìn một cách tổng thể, pháp luật đã có một số quy định cụ thể nhằm bảo đảm việc tái hòa nhập cộng đồng cho NCTN vi phạm pháp luật sau khi các em ra khỏi trại giam hoặc trường giáo dưỡng. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là các quy định này chủ yếu tập trung vào giai đoạn 1 của quá trình tái hòa nhập xã hội - giai đoạn chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho NCTN vi phạm pháp luật tái hòa nhập xã hội trước khi các em được trả tự do. Chưa có những quy định, chương trình cụ thể để tiếp tục duy trì kết quả của giai đoạn 1, hỗ trợ cho NCTN nhanh chóng tái hòa nhập khi các em đã trở về cộng đồng.

Thượng tá Lê Duy Sâm.jpg
Thượng tá Lê Duy Sâm

Việc triển khai hoạt động hỗ trợ NCTN vi phạm pháp luật còn nặng về phong trào, đôi khi chỉ dừng ở việc hàng tháng báo cáo tình hình chấp hành pháp luật của NCTN xem có sai phạm gì không, còn lại hầu như không triển khai công tác gì khác. Điều này đã làm hạn chế hiệu quả của công tác tái hòa nhập cộng đồng cho NCTN, các em lại bị đẩy vào con đường lang thang, không việc làm và dễ trở lại con đường vi phạm pháp luật.

Tin cùng chuyên mục