Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo mới nhất gồm 6 chương và 65 điều; bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội cũng dự kiến xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (luật sửa 4 luật), một nội dung cần xem xét hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, là tính thống nhất, đồng bộ của 2 dự án luật này; để đảm bảo sự hài hòa của dự án đầu tư với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh khi xem xét chủ trương đầu tư, tránh gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Góp ý về dự thảo luật, ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến khái niệm “khu vực nội thành, nội thị” và đề nghị xem xét, bổ sung làm rõ 2 khái niệm này. ĐB cho rằng nội thành, nội thị không đơn thuần là khu vực nằm bên trong ranh giới của đô thị mà cần được định nghĩa là khu vực trung tâm, lõi của đô thị, có sự tập trung cao về dân cư, dịch vụ, hoạt động kinh tế và hạ tầng đô thị, là không gian có tính liên kết cao.
“Việc xác định khu vực nội thành, nội thị có tính liên kết cao sẽ giúp cho việc quy hoạch được thực hiện một cách toàn diện, thống nhất, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, có sự liên thông đồng bộ, kết nối cao, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tăng cường diện tích cho người dân đô thị; đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng phát triển kinh tế của kinh tế đô thị, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập và nhiều tác động tích cực khác”, bà Phương Thủy nêu quan điểm.
Băn khoăn về nguyên tắc áp dụng quy hoạch khi có mâu thuẫn giữa các quy hoạch, ĐB Lã Thanh Tân (Hải Phòng) dẫn chứng điều 8 của dự thảo luật, theo đó, khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ, cùng cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định quy hoạch được thực hiện.
Trường hợp cùng cấp độ, khác cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện.
“Quy định như dự thảo Luật hiện tại có thể làm phát sinh tình trạng khi một dự án hoạt động triển khai thực hiện gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch thì phải dừng lại để thực hiện thủ tục chờ cấp có thẩm quyền quyết định quy hoạch thực hiện hoặc chờ điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất mới được thực hiện”, ông Lã Thanh Tân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng mới chỉ đề cập đến sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn với nhau theo quy định của Luật này. Trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý… ĐB Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng, sử dụng quy hoạch khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch, tránh lãng phí về thời gian, chi phí cũng như cơ hội của nhà đầu tư và nguồn lực của Nhà nước.
Cùng quan điểm với ĐB Lã Thanh Tân, ĐB Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho rằng, quy định như điều 8 làm thay đổi nguyên tắc trong việc tuân thủ của quy hoạch; làm cho việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đô thị nông thôn trong phạm vi địa bàn thành phố, thị trấn, thị xã, huyện, xã mang tính chất rời rạc, không có sự chia sẻ, trao đổi thông tin kịp thời giữa các cấp thẩm định quy hoạch.
Về việc không lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã mà giao cho UBND cấp tỉnh quyết định xã cần phải lập quy hoạch chung (tại khoản 2, điều 25 dự thảo luật), ĐB cho rằng quy hoạch chung của huyện có thể tích hợp các nội dung định hướng phát triển xã trong huyện.
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đơn vị hành chính được chia thành 4 cấp; đơn vị hành chính cấp huyện được giao phụ trách quản lý đơn vị hành chính cấp xã theo địa bàn, lĩnh vực quản lý nhà nước. Vì vậy, không cần thiết phải lập quy hoạch chung cấp xã mà nên tích hợp quy hoạch chung cấp xã trong quy hoạch chung cấp tỉnh.