Luật Bảo vệ di sản được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến trong phiên họp sáng nay, 17-4.
Qua thẩm tra dự luật, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, nhận định, Điều 25 dự thảo luật quy định nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II của di tích, danh lam thắng cảnh nhưng chưa quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện việc xác định khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II. Thường trực ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể, đầy đủ hơn.
Qua khảo sát thực tế, thường trực ủy ban nhận thấy, ở địa phương còn nhiều di tích có số liệu từ bản vẽ khoanh vùng sai lệch so với diện tích thực tế, một số di tích có diện tích khoanh vùng tương đối rộng gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội; việc xác định khu vực bảo vệ I, bảo vệ II, thực hiện cắm mốc di tích còn chậm; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể các biện pháp, yêu cầu và điều kiện bảo đảm để việc xác định khu vực khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ di tích đạt hiệu quả, chất lượng.
Bên cạnh đó, Điều 26 dự thảo luật cho phép triển khai dự án đầu tư, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I sau khi được phê duyệt và có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.
Thường trực ủy ban cho rằng, Khoản 1 Điều 26 dự thảo luật quy định khu vực bảo vệ I của di tích được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian đối với những yếu tố gốc cấu thành di tích. Để bảo đảm nguyên tắc này, đề nghị không quy định việc triển khai xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I của di tích; chỉ cho phép xây dựng, cải tạo nhà ở riêng lẻ đối với trường hợp di sản có cư dân sinh sống như làng cổ Đường Lâm, đô thị cổ Hội An, khu vực bảo vệ I của Quần thể di tích Cố đô Huế... nhưng phải bảo đảm nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, giữ nguyên “yếu tố gốc cấu thành di tích”.
Khoản 2 Điều 27 quy định việc xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I, II của di tích phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao.
Về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, Điều 40 quy định “... Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng thông qua mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế trong nước và không được kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư...”. Thường trực ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ, đặc biệt làm rõ nội hàm “chuyển nhượng”, “mua bán”, “kinh doanh” để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau.
Tuy nhiên, lại cũng có ý kiến cho rằng, quy định không được kinh doanh đối với bảo vật quốc gia là giới hạn quyền sở hữu tài sản của công dân theo Chương XIII Bộ luật Dân sự (quyền sở hữu bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt); đồng thời quy định này cũng chưa bảo đảm tính thống nhất trong nội dung dự thảo luật (Điểm c Khoản 1 Điều 40 giới hạn quyền sở hữu đối với tài sản nhưng Khoản 3 Điều 41 lại quy định việc chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự). Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu quy định để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Dân sự.