Tại phiên họp chiều 11-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, quy hoạch Thủ đô và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đã được xây dựng công phu, khối lượng thông tin phong phú, đa dạng và phức tạp, cơ bản bám sát theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, 2 bản quy hoạch này có nhiều nội dung trùng lặp, chưa thống nhất về phạm vi, mức độ chi tiết, do đó có thể dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn và gây khó khăn trong việc lập, quản lý và thực hiện quy hoạch.
“Đề nghị các cơ quan lập, thẩm định các quy hoạch này cần có sự phối hợp chặt chẽ để tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm nguyên tắc quy hoạch Thủ đô là căn cứ để lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô là quy hoạch cụ thể hóa, chi tiết hơn quy hoạch Thủ đô và việc điều chỉnh phải thống nhất, đồng bộ với quy hoạch Thủ đô, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia”, đại diện cơ quan của Quốc hội nêu rõ.
Đáng lưu ý, theo ủy ban này, quy hoạch dành nhiều dung lượng phân tích về nội dung văn hóa để hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, nhưng các chỉ tiêu về văn hóa lại không được đề cập nhiều trong phần này (chỉ có 1 mục tiêu về số trung tâm văn hóa thông tin và thể thao).
Trong các chỉ tiêu về môi trường, quy hoạch chưa đề cập đến các chỉ tiêu về chất lượng không khí, trong khi đây lại là chỉ tiêu được quan tâm hàng ngày của người dân.
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Liên quan đến định hướng phát triển các ngành quan trọng, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội và các phương án phát triển Thủ đô, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ sự cần thiết phải có nội dung về tổ chức 5 không gian phát triển, trong khi nội dung này tại bản quy hoạch chỉ mang tính chất trình bày khái niệm, chưa cụ thể, chưa thể hiện phạm vi, vai trò, tính chất và sự liên kết của các không gian.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn nhận định, những giải pháp huy động vốn đầu tư nêu tại 2 quy hoạch cũng khá chung chung, chưa đủ cơ sở để đánh giá tính khả thi. Do đó, đề nghị rà soát, tính toán để xây dựng kế hoạch, mục tiêu phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn lực. Đồng thời, trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm của từng giai đoạn, đề nghị rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý hơn các dự án ưu tiên, mang tính cấp bách để có cơ sở xác định nguồn lực, bảo đảm tính khả thi cho các dự án.