Băn khoăn về giờ "giới nghiêm" đối với người chưa thành niên

Ngày 23-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Thời gian qua, thực tiễn thi hành pháp luật tư pháp người chưa thành niên đạt được một số kết quả tích cực, góp phần bảo vệ người chưa thành niên hiệu quả và phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật..

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là tình trạng còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn; hình phạt đang áp dụng chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất, hành vi phạm tội của người chưa thành niên...

z5374944607895_179045710b6505d6fb105af39ea3ba5e.jpg
Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đại diện Sở LĐ-TBXH TPHCM, VKSND quận Gò Vấp, Đoàn Luật sư TPHCM, TAND TPHCM, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM, Sở Tư pháp TPHCM... bày tỏ băn khoăn về Điều 42 Luật Tư pháp người chưa thành niên về hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại. Trong đó quy định nghiêm cấm người chưa thành niên ra khỏi nhà trong khung giờ cụ thể từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, thời hạn thực hiện từ 3 đến 6 tháng.

Nhiều đại biểu phân tích, 18 giờ vẫn là thời gian người chưa thành niên đi học, tham gia các hoạt động ngoài trời... Nếu quy định khung giờ hạn chế vào thời gian quá sớm có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các em. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, đây là các trường hợp đặc biệt, cần sự quản thúc nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn.

Các ý kiến này đề xuất giữ nguyên khung giờ giới nghiêm từ 18 giờ, trừ các trường hợp tham gia vào các khóa học tại các cơ sở dạy nghề; hoặc tăng khung giờ giới nghiêm lên 19 giờ, 20 giờ... đến 6 giờ sáng hôm sau.

z5374944168761_170fb8eceaedfc1f6267682224c53922.jpg
Đồng chí Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM

Các đại biểu cũng nhận xét, việc xác định độ tuổi của người tham gia tố tụng hiện gặp khó khăn, do không đăng ký khai sinh hoặc đăng ký khai sinh không đúng...

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại sự chồng lấn giữa các chế tài hành chính như: Khoản 1 Điều 92 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị xem xét đưa vào trường giáo dưỡng. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 96 của Bộ luật Hình sự quy định người trên 14 tuổi nếu phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có thể áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Như vậy, với 2 hệ thống khác nhau, cơ chế giải quyết khác nhau nhưng bản chất cùng là một loại chế tài, cùng được tổ chức thi hành tại trường giáo dưỡng do cơ quan công an quản lý, tổ chức thi hành.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng ghi nhận các ý kiến của đại biểu và sẽ tổng hợp các nội dung phù hợp để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV.

Dự kiến, dự luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp 7 vào tháng 5 tới.

Tin cùng chuyên mục