Băn khoăn về đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh ​

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định phải đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với bác sĩ, y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng, cấp cứu viên ngoại viện.


Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh điều hành phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh điều hành phiên họp

Ngày 15-4, tại Hà Nội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có phiên họp thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật này do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trình bày tại phiên họp nêu rõ, dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn gồm: nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Đối với người hành nghề, đáng lưu ý, dự thảo Luật quy định phải đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với bác sĩ, y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng, cấp cứu viên ngoại viện. Các đối tượng là lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ.

Dự thảo Luật cũng quy định người hành nghề phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong quá trình hành nghề. Theo đó, nếu trong 5 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, người hành nghề đạt đủ số điểm theo quy định sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề. Trường hợp không đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ phải cập nhật bổ sung hoặc phải kiểm tra đánh giá kiến thức để được gia hạn giấy phép hành nghề.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng nhất trí nhìn nhận việc sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bất cập của Luật hiện hành, đồng thời tiếp tục luật hoá những vấn đề mới phát sinh, các mô hình khám bệnh, chữa bệnh hiệu quả đã được áp dụng trong thực tế vừa qua, nhất là trong 2 năm phòng, chống dịch Covid-19.

Đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế chuẩn bị sớm các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật để báo cáo Quốc hội xem xét cùng với dự thảo Luật theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về vấn đề đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với bác sĩ, y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng, cấp cứu viên ngoại viện… Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai nhận định, việc kiểm tra thực hành cần phải được quy định cụ thể để đánh giá năng lực hành nghề đảm bảo kết quả chính xác.

Một số đại biểu cũng đề nghị đối với bác sĩ, y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân nên thực hiện tập trung đầu mối cấp và quản lý giấy phép cho người hành nghề tại cơ sở trực thuộc Bộ chủ quản (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) thay vì giao cho Hội đồng Y khoa quốc gia, bởi lẽ Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức mới được Chính phủ thành lập năm 2020; nhân sự và chất lượng nhân sự của Hội đồng, cũng như kinh nghiệm hoạt động và tổ chức thực hiện chưa được quan tâm, đánh giá thận trọng.

Dự thảo cũng quy định giấy phép hành nghề (thay cho chứng chỉ) có giá trị 5 năm với mục tiêu là phải cập nhật kiến thức, tạo điều kiện nâng cao năng lực cho người hành nghề, nhưng thủ tục hành chính, quy trình cấp phép cần đảm bảo thuận lợi. Đề nghị đánh giá tác động của quy định này kỹ lưỡng hơn, xin ý kiến Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục