Tự chủ xây dựng quy chế tuyển sinh
Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), năm 2023, Bộ GD-ĐT sẽ không ban hành quy chế tuyển sinh ĐH mới. Các cơ sở giáo dục cần xây dựng quy chế tuyển sinh cụ thể và công bố công khai trên các trang điện tử của mình. Những năm tiếp theo, về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022.
Điều 26 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT (Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022) quy định trách nhiệm của cơ sở đào tạo là từ năm 2023 xây dựng quy chế tuyển sinh để cụ thể hóa những quy định của quy chế này cho các hình thức đào tạo (chính quy, vừa làm vừa học, liên thông, trực tuyến); công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo; tổ chức tuyển sinh theo đề án và quy chế tuyển sinh đã ban hành; tuân thủ các quy định của quy chế này và các quy định pháp luật hiện hành; thực hiện trách nhiệm giải trình với Bộ GD-ĐT, các cơ quan có thẩm quyền và xã hội về toàn bộ công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo.
Cùng với đó, các cơ sở đào tạo phải tổ chức thanh tra, kiểm tra nội bộ, chủ động giải quyết các rủi ro đã đưa ra trong đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo; giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan tới công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo theo quy định của quy chế tuyển sinh và quy định của pháp luật có liên quan.
Tính đến thời điểm hiện nay, trong số 237 trường ĐH (số liệu chưa bao gồm các trường ĐH, học viện thuộc khối An ninh, Quốc phòng), có khoảng hơn 100 trường xây dựng và công bố quy chế, đề án tuyển sinh năm 2023. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là trường đầu tiên của cả nước chính thức công bố Quy chế tuyển sinh ĐH áp dụng từ năm 2023.
Theo GS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường, quy chế này được ban hành căn cứ trên Luật Giáo dục Đại học, Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học, đề án tự chủ của trường và theo quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2022 của Bộ GD-ĐT. Quy chế tuyển sinh ĐH áp dụng từ năm 2023 của trường là sự tích hợp giữa các quy định chung trong quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT năm 2022 và những yêu cầu đặc thù của trường (không áp dụng với các chương trình liên kết do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng).
Cần tính ổn định
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết, trường đã xây dựng và công bố quy chế tuyển sinh cùng với đề án tuyển sinh năm 2023. So với quy chế năm 2022 của Bộ GD-ĐT thì quy chế của trường không có gì khác. Chỉ có một điểm khác là cách tính điểm ưu tiên mới theo quy định của Bộ GD-ĐT. “Tôi cho rằng quy chế tuyển sinh nên duy trì tính ổn định để tránh tình trạng liên tục thay đổi, làm xáo trộn cho các trường lẫn thí sinh. Nếu có thay đổi hay điều chỉnh về mặt kỹ thuật xét tuyển thì cũng nên chuẩn bị kỹ trước khi áp dụng. Năm nay, Bộ GD-ĐT đã cầu thị, giữ ổn định chứ không có những thay đổi như năm 2022 khiến các trường và thí sinh đều vất vả”, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng nêu ý kiến.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, trường đang xây dựng quy chế tuyển sinh theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT và hiện đã hoàn thiện, dự kiến sẽ công bố trong tuần tới. Quy chế tuyển sinh của trường cơ bản giống như quy chế năm 2022 của Bộ GD-ĐT, không đưa ra những quy định mới nhằm tránh xáo trộn cho thí sinh. Nếu có thay đổi thì cũng sau vài năm nữa, và đặc biệt là bám sát thông tin từ Bộ GD-ĐT. Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chưa có quy chế tuyển sinh.
Trường hiện đang đưa ra dự thảo để lấy ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, theo Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường, dự thảo quy chế tuyển sinh của trường giống với quy chế của Bộ GD-ĐT năm 2022. Trường chỉ bổ sung quy chế tuyển sinh cho hệ vừa làm vừa học và hệ liên thông.
Theo nhiều lãnh đạo trường ĐH, nói các trường tự xây dựng quy chế tuyển sinh nhưng thực tế là lấy nguyên quy chế của Bộ GD-ĐT. Nếu trường nào có quy định mới thì chắc chắn sẽ phải trình bày đủ các yêu cầu, rất phiền phức. Một chuyên gia tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, Luật Giáo dục Đại học và Nghị định 99 hướng dẫn thi hành luật này cũng khẳng định các trường được tự chủ trong tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển). Tuy nhiên, với những gì diễn ra trong những năm vừa qua, nhất là trong năm 2022, thì năm 2023 việc cho các trường tự xây dựng quy chế tuyển sinh là điều hiển nhiên và Bộ GD-ĐT phải làm theo luật định.
Thế nhưng, các trường đang băn khoăn giữa 2 lựa chọn, đó là: làm giống hệt quy chế của Bộ GD-ĐT hoặc đưa ra những quy định mới. Tuy nhiên, việc lựa chọn các quy định mới trong tuyển sinh cho các trường thường rất phức tạp và nếu bị yêu cầu giải trình, sau đó Bộ GD-ĐT không đồng ý thì sẽ tốn thời gian, công sức vô ích. Do đó, dù là xây dựng quy chế tuyển sinh cho từng trường nhưng hiện nay, quy chế của các trường đã và đang chuẩn bị công bố đều giống gần như 100% quy chế tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD-ĐT.
Trong năm 2023, Bộ GD-ĐT thay đổi công thức tính điểm ưu tiên khu vực. Các thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực trong năm tốt nghiệp THPT và 1 năm kế tiếp trong quá trình xét tuyển ĐH. Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về thang điểm 10 và tổng điểm ba môn tối đa là 30) được xác định theo công thức: điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên khu vực, đối tượng. Đây là điểm mới mà các trường khi xây dựng quy chế tuyển sinh năm 2023 phải bổ sung.