Hôm nay, 29-5, Quốc hội sẽ dành trọn ngày làm việc để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình những tháng đầu năm 2024. Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 cũng là những nội dung sẽ được cơ quan lập pháp cho ý kiến. Các phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ gửi đến ĐBQH, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, nhiều ý kiến đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng, các cơ quan ở Trung ương và địa phương.
Trong số các vấn đề cần giải quyết thời gian tới, ĐB bày tỏ quan tâm đến vấn đề cải cách tiền lương. Tại nhiều tổ, ĐB phản ánh dù có chủ trương cải cách tiền lương, nhiều cơ quan đang gặp phải tình trạng lương giảm, không đáp ứng được yêu cầu tái tạo sức lao động. Có 34 đơn vị, ngành nghề có phụ cấp đặc thù (ngân hàng, kho bạc, hải quan... ), nếu tính toán theo phương án bỏ các phụ cấp đặc thù, tính theo vị trí việc làm, lương sẽ bị giảm, trong khi tinh thần nghị quyết Trung ương là lương cải cách phải tăng, không giảm.
Vì vậy, các cơ quan đang nghiên cứu tính theo hướng không gọi là mức lương cơ sở mà quy định mức tham chiếu, như đề nghị của Bộ LĐTB-XH. Theo đó, từ ngày 1-7 sẽ tăng lương trên cơ sở mức hiện nay khoảng 25-30%, sau đó sẽ làm tiếp các việc khác để hợp lý, đồng bộ.
Có ý kiến nêu, cử tri ngành giáo dục đề xuất việc cải cách tiền lương đối với ngành giáo dục cần được thực hiện theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bảng lương của các ngành nghề khác, bằng với lương lực lượng vũ trang như quân đội, công an hoặc xếp đầu trong các ngành khối hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản ánh băn khoăn của cử tri đối với việc nâng lương cho đội ngũ y tế và giáo viên bằng nguồn tự chủ, vì như vậy thì người bệnh phải trả thêm phí rất cao; học sinh, sinh viên phải đóng tăng học phí, làm mất cơ hội học tập của các em có hoàn cảnh khó khăn…
Liên quan việc phát triển nhà ở xã hội, một số ý kiến ĐB nhận định, đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội “không chạm đến nhu cầu”, vì vừa thiếu, vừa thừa. Người công nhân chỉ cần có một chỗ ở gần với khu công nghiệp và thường xuyên thay đổi chỗ ở khi thay đổi việc làm. Chi phí để ở chung cư nhà ở xã hội quá cao so với thu nhập của người công nhân và phần lớn công nhân đều có xu hướng làm đến khoảng 40 tuổi lại quay trở về quê. Do đó, việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua chưa chạm đến nhu cầu thực.
Ngược lại, ở một số đô thị lớn, người dân vẫn thiếu chỗ ở, làm lãng phí nguồn lực tài chính công. ĐB đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời tìm giải pháp để những căn nhà bỏ hoang sớm được đưa vào sử dụng, tránh lãng phí.
* Các bộ ngành có liên quan cũng đã có các báo cáo kịp thời hồi đáp các vấn đề được nêu trong phiên thảo luận tại các tổ ĐB.
Hồi đáp các ý kiến về điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP phù hợp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kịch bản do bộ này xây dựng đã tính toán và dự báo các yếu tố tác động tới nền kinh tế nước ta, đồng thời cũng đã xem xét đến xu hướng chung là các quý sau thường cao hơn quý trước do hoạt động kinh tế thường sôi động hơn ở những tháng cuối năm. Do vậy, bộ đề xuất vẫn giữ nguyên theo kịch bản đã xây dựng là tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 đạt khoảng 6%-6,5%.